Kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự phù hợp với Hiến pháp và thực tiễn xã hội

Ngày đăng: 24-01-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Ngày 20/01/2015 Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã tổng hợp kết quả giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự tại thành phố để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định.

Theo kết quả giám sát, từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014 trên địa bàn thành phố không có trường hợp làm oan người vô tội theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan tư pháp thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin, thu thập chứng cứ phục vụ tốt nhiệm vụ, các cơ quan tư pháp thành phố đã tạo mọi điều kiện để luật sư tham gia đầy đủ từng giai đoạn tố tụng theo yêu cầu của đương sự trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp thành phố thời gian qua, còn một số hạn chế như: chất lượng của đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đồng đều; một số bản án áp dụng hình phạt chưa tương ứng với hành vi phạm tội; quy định thủ tục để bồi thường cho người bị oan, sai còn bất cập, khó áp dụng,…

Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi Bộ luật hình sự cho phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) và thực tiễn cuộc sống, cần quy định cụ thể tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm công nghệ cao, thu hẹp khung hình phạt, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, giải thích, làm rõ các thuật ngữ “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng”, “hàng phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”; sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; mở rộng thời gian điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án phức tạp, bổ sung quy định trách nhiệm Công an xã trong việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm; cần có cơ chế hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Luật sư tham gia quá trình tố tụng hình sự; ban hành Luật Tạm giữ tam giam, nhằm tạo cơ sở pháp lý giúp cho công tác bắt tạm giữ, tạm giam, để điều tra, xử lý tội phạm chặt chẽ, kịp thời; nâng Pháp lệnh Tổ chức cơ quan điều tra hình sự lên thành luật để đáp yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng quy định đơn giản về thủ tục giải quyết bồi thường oan, sai và cụ thể về trách nhiệm hoàn trả của tổ chức, cá nhân để xảy ra oan, sai,…

Kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào giữa năm 2015./.

Lê Lạc