Kinh nghiệm giám sát, theo dõi việc thực hiện nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ

Ngày đăng: 25-01-2018 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

1. Hoạt động giám sát, theo dõi việc thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND thành phố Cần Thơ thời gian qua

Một trong những vấn đề luôn được Thường trực HĐND thành phố quan tâm đó là “hậu chất vấn”. Không chỉ dừng lại ở việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, mà quan trọng hơn là việc giải quyết, trả lời của thủ trưởng các cơ quan chức năng sau khi đã hứa, đã cam kết với đại biểu HĐND, với cử tri tại phiên chất vấn. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, tại các kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND thành phố đều ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, các nghị quyết này được đại biểu HĐND và đông đảo Nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ, làm cơ sở cho công tác giám sát việc thực hiện lời hứa của các giám đốc sở, thủ trưởng các ngành tại phiên chất vấn.

Để đảm bảo các nội dung đã hứa, đã cam kết được thực hiện một cách nghiêm túc, ngay sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo Văn phòng HĐND thành phố hoàn chỉnh toàn bộ tài liệu liên quan đến việc chất vấn, tổng hợp những nội dung chưa được trả lời hoặc trả lời chưa đầy đủ, hoặc đại biểu chưa kịp hỏi tại phiên chất vấn và gửi đến UBND thành phố, đơn vị được chất vấn để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trả lời và tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở nội dung nghị quyết, trong Chương trình giám sát hàng năm của Thường trực, các Ban của HĐND đều có nội dung giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, trong đó có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, theo từng lĩnh vực phụ trách. Tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố và các đơn vị đã được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND thành phố. Đồng thời, rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị với nội dung của nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn để yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình thêm để đại biểu HĐND thành phố giám sát hoặc tiếp tục tái chất vấn. Đây là căn cứ để đánh giá tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan được chất vấn; đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của ngành đối với nhân dân.


 
 
Quang cảnh Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố
khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27 tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp

 2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và giám sát việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND

Thứ nhất, yếu tố đóng vai trò quan trọng của phiên chất vấn chính là sự điều hành của Chủ tọa kỳ họp. Chủ tọa cần lựa chọn, xác định nhóm vấn đề tập trung chất vấn. Điều hành linh hoạt, chú ý gợi mở các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề tập trung chất vấn để tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, đại biểu đặt ra những vấn đề đang được cử tri quan tâm để thủ trưởng cơ quan chuyên môn làm rõ. Đối với thủ trưởng cơ quan được chất vấn, Chủ tọa cũng yêu cầu trả lời thẳng vào trọng tâm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; giải pháp khắc phục rõ ràng, có lộ trình cụ thể để đại biểu, cử tri giám sát. Đối với những nội dung chưa trả lời ngay, Chủ tọa kỳ họp sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan trả lời bằng văn bản ngay sau kỳ họp.

Thứ hai, đại biểu HĐND chính là những chủ thể quan trọng tại nghị trường, quyết định chất lượng của phiên chất vấn và chuyển hoạt động chất vấn, giải trình từ tham luận sang tranh luận. Do vậy, đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, của địa phương, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để chuyển tải vào nội dung chất vấn. Một số hạn chế trong hoạt động chất vấn thời gian qua có nguyên nhân là đại biểu không có nhiều thông tin về các vấn đề được chất vấn. Mặt khác, do năng lực, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu HĐND còn hạn chế nên ngại chất vấn; phần lớn đại biểu hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực tham gia chất vấn cũng như theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận sau chất vấn. Để từng bước khắc phục vấn đề này, trước mỗi kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND thành phố đều giao cho Văn phòng HĐND thành phố thống kê, biên soạn, tìm kiếm và cập nhật các tài liệu liên quan đến nội dung được chất vấn để gửi trước cho đại biểu HĐND có thời gian nghiên cứu; gửi lại các nghị quyết, thông báo kết luận chất vấn, lời hứa của các thủ trưởng sở, ngành ở các kỳ họp trước để rà soát, đối chiếu.

Thứ ba, cần tăng cường hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND. Đây là quy định đã được nêu trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tuy nhiên, hoạt động này trên thực tế sẽ khó thực hiện thường xuyên tại địa phương. Theo quy định về chất vấn giữa hai kỳ họp thì phải căn cứ vào phiếu chất vấn của đại biểu HĐND, ý kiến, phản ánh của cử tri về những vấn đề bức xúc ở địa phương để Thường trực HĐND quyết định vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian chất vấn. Do đó, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND muốn đạt hiệu quả cao thì nội dung chất vấn cần được mở rộng và đại biểu HĐND cũng phải dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động dân cử, trong đó có việc tham gia vào hoạt động chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp HĐND.

Thứ tư, qua quá trình thực hiện, cho thấy nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là sản phẩm của trí tuệ tập thể HĐND và là văn bản có giá trị pháp lý mang tính bắt buộc chấp hành đối với các chủ thể được chất vấn, vì vậy, dự thảo nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn phải được Thường trực HĐND thành phố chuẩn bị chặt chẽ, thể hiện đầy đủ nội dung của phiên chất vấn, các nội dung người bị chất vấn phải tiếp tục thực hiện làm cơ sở để giám sát sau này; đảm bảo nghị quyết dự báo được tình hình, kết quả của phiên chất vấn, bao quát được nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan được chất vấn và vấn đề đưa ra chất vấn để trình HĐND thông qua tại cuối kỳ họp.

Thứ năm, chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hình thức giám sát trực tiếp, có hiệu quả cao và sức lan tỏa lớn tại các kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND, thể hiện trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đại biểu HĐND đối với cử tri. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri có thể đánh giá được những đại biểu mà họ đã gửi gắm niềm tin; đánh giá được trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền trước HĐND, cử tri và Nhân dân. Vì vậy, hoạt động giám sát việc thực hiện sau chất vấn (hậu chất vấn) là một khâu cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy hoạt động chất vấn dù tích cực đến mấy nhưng nếu thiếu sự giám sát thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, cần tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để khắc phục các vấn đề tồn tại sau chất vấn, bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung và tiến độ theo yêu cầu. Việc đôn đốc cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, bằng văn bản, bằng kiểm tra thực tế và được theo dõi giám sát cho đến khi có kết quả cụ thể. Có như vậy, hoạt động chất vấn, giải trình mới có hiệu quả thật sự, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri cũng như sự quan tâm của đại biểu HĐND.

(Trích tham luận của Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27 tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp)

                                                                                 Quách Trọng Thiện