Kinh nghiệm và giải pháp của HĐND thành phố Cần Thơ về nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo

Ngày đăng: 28-11-2018 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

1. Kết quả thực hiện công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của HĐND thành phố Cần Thơ thời gian qua

Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ xác định tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử, là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đại biểu của mình, đồng thời, cũng là phương thức hữu hiệu để công dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham gia đóng góp ý kiến vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Do đó, thời gian qua Thường trực HĐND thành phố thường xuyên chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Thông qua hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư đã giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu biết về chủ trương, chính sách pháp luật; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật; xem xét, phân loại đơn, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, kiểm tra việc giải quyết đó và thông tin, trả lời đến người dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp hơn 400 lượt công dân, tiếp nhận 423 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các công trình, dự án trên địa bàn thành phố (việc áp giá bồi thường về đất, tài sản gắn liền trên đất; việc bố trí nền tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng,…); việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm triển khai, việc chậm thi hành các bản án của tòa án, công tác tổ chức thi hành án dân sự,…Qua nghiên cứu, đã chuyển 291 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trực tiếp hướng dẫn, xử lý theo quy định đối với 132 đơn. Hầu hết các cơ quan đơn vị khi nhận được đề nghị của Thường trực HĐND đều tăng cường đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc và thông tin, phản hồi kết quả thực hiện cho công dân và Thường trực HĐND thành phố.

Qua công tác thẩm tra các báo cáo của các cơ quan, đơn vị trước mỗi kỳ họp thường lệ của HĐND, bên cạnh việc đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình và kết quả hoạt động của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố, Thường trực HĐND thành phố còn phân công Ban Pháp chế thẩm tra, làm rõ một số nội dung trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do HĐND, công dân gửi đến, làm cơ sở để HĐND xem xét đề nghị chất vấn tại kỳ họp. Thông qua các hoạt động giám sát tại kỳ họp đã giúp HĐND kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri.

Định kỳ 06 tháng/lần, Thường trực HĐND thành phố chủ trì phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức cuộc họp nghe Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo đánh giá về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Thường trực HĐND, đại biểu HĐND thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội ở địa phương chuyển đến. Qua đó đã đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối 32 vụ việc, chủ yếu liên quan đến các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực nhưng chậm được thực hiện, các vụ án tồn đọng, kéo dài, vụ việc dư luận bức xúc và người dân quan tâm.

Ban Pháp chế và Văn phòng HĐND thành phố thường xuyên tham mưu Thường trực HĐND thành phố theo dõi, đôn đốc và đề xuất tổ chức giám sát đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu giải quyết không đúng với quy định của pháp luật, định kỳ rà soát và có hơn 70 văn bản nhắc nhở đối với một số cơ quan, đơn vị chậm giải quyết theo quy định.

Thường trực HĐND thành phố giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri
và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017

2. Một số kinh nghiệm của HĐND thành phố Cần Thơ trong việc nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời gian qua cơ bản đã trở thành nền nếp, góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri, giữa chính quyền với Nhân dân và không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Để đạt được những kết quả này, Thường trực HĐND thành phố xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-HĐND ngày 22 tháng 8 năm 2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ (khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021), đây là nền tảng quan trọng để HĐND, đại biểu HĐND thành phố thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trên cơ sở này, Thường trực HĐND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã ban hành quy định về tiếp công dân của đại biểu HĐND cấp mình phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Thứ hai, Thường trực HĐND thành phố chủ động tổ chức bố trí đại biểu HĐND tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định; yêu cầu Tổ đại biểu HĐND phân công thời gian, địa điểm để đại biểu HĐND tiếp công dân tại địa phương ứng cử, bố trí cán bộ, công chức phục vụ cho đại biểu tiếp công dân; đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp chuẩn bị và tổ chức chu đáo, tham dự đầy đủ các buổi tiếp công dân của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND khi được yêu cầu.

Thứ ba, Thường trực HĐND thành phố tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho đại biểu HĐND về các kỹ năng trong công tác tiếp công dân, quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 và cập nhật những quy định mới liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thứ tư, quy trình tiếp công dân được thực hiện khoa học, chu đáo, thể hiện sự tôn trọng đối với người dân. Lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại Trụ sở làm việc của HĐND và nơi tiếp công dân, đồng thời thông báo lịch tiếp công dân trên Trang thông tin điện tử của HĐND thành phố, Trang thông tin điện tử của quận, huyện và đơn vị để cử tri biết. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND bố trí công chức tiếp công dân thường xuyên ở nơi làm việc để tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đồng thời, tham mưu cho Thường trực HĐND xử lý bước đầu, chuyển đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.

Thứ năm, hầu hết đại biểu HĐND xác định tiếp công dân là trách nhiệm của mỗi đại biểu, từ đó thường xuyên trao dồi kỹ năng và tích cực nghiên cứu các quy định của pháp luật, khi tiếp công dân đã chủ động lắng nghe ý kiến của Nhân dân, cẩn trọng trong giao tiếp với dân, biết đặt mình vào vị trí của người khiếu nại, tố cáo, làm trung gian giúp công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo pháp luật. Đồng thời, đại biểu HĐND tuân thủ nghiêm túc sự bố trí của Thường trực HĐND các cấp trong việc tiếp công dân, lắng nghe những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để chuyển đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân; hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.

Thứ sáu, phát huy vai trò của Tổ đại biểu HĐND, tăng cường sự điều hòa, phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND các cấp, đảm bảo tốt nhất các điều kiện để phục vụ cho đại biểu HĐND tiếp công dân, qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thứ bảy, Văn phòng HĐND thành phố chủ động công tác tham mưu hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND, bố trí nơi tiếp công dân khang trang, thuận tiện, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp công dân.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo thời gian tới

Tuy đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong thực tế công tác tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hoạt động tiếp công dân thời gian qua mặc dù đã được quan tâm và đổi mới song chất lượng các buổi tiếp công dân chưa đạt được như mong muốn, số lượt công dân đến gặp đại biểu HĐND khi tiếp công dân ở nơi ứng cử còn ít; nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của cá nhân, ít ý kiến đóng góp, xây dựng chung cho cộng đồng dân cư, tập thể. Để khắc phục những hạn chế này, Thường trực HĐND thành phố đề ra một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đại biểu HĐND; tập trung triển khai quán triệt, thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 và thường xuyên cập nhật những văn bản mới có liên quan nhằm đưa công tác tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND ngày càng có chất lượng hiệu quả. 

Hai là, qua công tác tiếp công dân, phải theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định; cần lựa chọn một số trường hợp khiếu nại bức xúc để tổ chức giám sát chuyên đề. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do HĐND không phải là cơ quan trực tiếp ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ba là, tăng cường hướng dẫn, phân công, đôn đốc Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố tổ chức tiếp công dân nơi ứng cử theo quy định; yêu cầu đại biểu HĐND thành phố khi sau khi tiếp công dân xong phải gửi báo cáo kết quả cho Thường trực HĐND thành phố để theo dõi hoặc có ý kiến đối với các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Bốn là, xây dựng và ban hành Quy chế thi đua - khen thưởng trong hoạt động của HĐND (bao gồm của công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND), làm cơ sở để khen thưởng những đại biểu, tổ đại biểu HĐND tích cực tham gia công tác tiếp công dân, giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, đơn vị theo quy định pháp luật, đồng thời, nhắc nhở và đề cao trách nhiệm đối với các đại biểu, tổ đại biểu HĐND chưa thực hiện theo quy định.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội liên quan đến công tác xây dựng cơ chế, chính sách về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; củng cố nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải cơ sở và ban thanh tra nhân dân; phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không để xảy ra điểm nóng.

Sáu là, kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác tham mưu giúp việc cho Thường trực HĐND thành phố trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

4. Một số kiến nghị

Để công tác tiếp công dân thời gian tới đạt được hiệu quả như yêu cầu đặt ra, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sửa đổi toàn diện Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 với quan điểm là tăng cường vai trò của Thường trực HĐND các cấp trong tổ chức hoạt động tiếp công dân; cần quy định, hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất trong công tác phối hợp xử lý, giải quyết đơn thư giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết đơn thư của công dân, nhằm thông tin kịp thời đến các đại biểu, người có thẩm quyền về quá trình xử lý và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng chuyển đơn chồng chéo hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt cần quan tâm bố trí tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc của Văn phòng phục vụ hoạt động của HĐND các cấp.

Hiện nay tại Ủy ban nhân dân các cấp đều bố trí Trụ sở tiếp công dân và cử cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân thường xuyên để tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân hàng ngày cho cấp ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân, do đó, việc tiếp công dân định kỳ của đại biểu HĐND cần có sự rà soát, lựa chọn những vụ việc phù hợp, vụ việc cần sự giám sát, đôn đốc của đại biểu HĐND để đẩy nhanh tiến độ giải quyết của các cơ quan hữu quan nhằm mang lại hiệu quả thực chất trong việc tiếp công dân của đại biểu dân cử. Vì vậy, Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 khi sửa đổi cần quy định cụ thể trách nhiệm của Văn phòng các cấp và các cơ quan hữu quan trong việc rà soát, lựa chọn các vụ việc phù hợp để đại biểu HĐND tiếp công dân./.

                                                                                      Quách Trọng Thiện