Buổi sáng ngày 19/11/2015, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản.
(Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp phát biểu tại Hội trường)
Tại phiên thảo luận, nhìn chung, các ý kiến tập trung thảo luận các nội dung giải quyết các vướng mắc trong thực tế liên quan đến quy định của đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản, các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá và các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, nhằm bảo đảm hoạt động đấu giá tài sản được khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, hạn chế tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và tài sản của tổ chức, cá nhân.
Tham gia thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cơ bản tán thành Dự thảo luật và cho rằng việc ban hành luật là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện bán đấu giá trong thời gian qua; và đóng góp một số nội dung như sau:
Về tài sản đấu giá (Điều 3): Thống nhất quy định tài sản là khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu mà công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng mua được đem ra bán đấu giá để thu hồi nợ không cần thông qua thủ tục phá sản. Nếu thực hiện tốt điều này thì góp phần cho việc thu hành nợ ở các tổ chức tín dụng, giảm nhanh nợ xấu ở các tổ chức tín dụng.
Về nguyên tắc đấu giá tài sản (Khoản 5): Đề nghị bổ sung quy định đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan (Khoản 1); và đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua đấu giá tài sản ngay tình, ngoài cá nhân còn tổ chức. Có doanh nghiệp đấu giá tài sản và đấu giá viên. (Khoản 2).
Về miễn đào tạo đấu giá (Điều 12): Nên cân nhắc và đề nghị quy định không miễn đào tạo mà quy định tất cả những người hành nghề đều phải học để có kiến thức về pháp luật, có những quy định không phải có đại học luật mà có đại học kinh tế thì phải có kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ ngành nghề.
Về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá (Điều 45): Thực tiễn hoạt động đấu giá hiện nay cho thấy, các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của người có tài sản, nhất là đối với tài sản Nhà nước còn thiếu và chưa đủ mạnh. Có tình trạng cơ quan, đơn vị có tài sản sau khi ký hợp đồng với doanh nghiệp đấu giá để bán tài sản thiếu sự kiểm tra giám sát, phó mặc cho doanh nghiệp trong quá trình bán đấu giá. Thực tế này dẫn đến tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá được quy định trong Dự thảo luật, theo đó, người có tài sản đấu giá có các quyền bao gồm giám sát quá trình đấu giá để đảm bảo việc đấu giá tuân thủ theo quy định của Luật đấu giá và pháp luật có liên quan. Tham dự và cử người đại diện tham dự cuộc đấu giá. Yêu cầu doanh nghiệp đấu giá tài sản, dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng doanh nghiệp đấu giá tài sản có hành vi vi phạm trình trự thủ tục đấu giá. Yêu cầu đấu giá viên điều hành ngừng cuộc đấu giá khi có căn cứ cho rằng đấu gía viên và người tham gia đấu giá có thông đồng, “dìm” giá. Đơn phương chấm dứt, hủy hợp đồng đấu giá tài sản hoặc hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc đề nghị tòa án tuyên hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu theo quy định pháp luật về Luật Dân sự.
Về giải quyết tranh chấp (Điều 70): Quy định hợp đồng tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ mua bán tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá khi các bên có thể thương lượng hòa giải, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật là chưa đầy đủ, đề nghị làm rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào, và quy định rõ cơ quan tòa án hay chính quyền địa phương.
Về quy định đấu giá nợ xấu (Điều 76): Đề nghị quy định giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục đấu giá bán nợ xấu tài sản đảm bảo mà công ty đã mua, nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Về quy định chuyển tiếp trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nên tiếp tục vận động thực hiện đấu giá tài sản theo trình tự thủ tục đấu giá quy định của luật này (Khoản Điều 37); về Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản: Quy định có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 26 của luật này và các quy định của luật có liên quan nên thống nhất sau thời gian 5 năm khi luật có hiệu lực, quá trình thực hiện thì nên có đề án chuyển đổi để chuyển qua thành doanh nghiệp đấu giá là phù hợp.
Thanh Bình