Thảo luận Dự án Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (sửa đổi).

Ngày đăng: 16-11-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Chiều ngày 14-11-2015, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hòa Bình, Hà Nam cùng thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (sửa đổi).

Đối với Luật Báo chí (sửa đổi): Đa số các ý kiến cho rằng hoạt động báo chí ở nước ta hiện nay rất đa dạng, phong phú, phản ánh tương đối rõ nét đời sống xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của đất nước. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ban đầu; đưa tin sai sự thật; tính phản biện chưa cao; chưa có biện pháp chế tài mạnh đối với người làm báo đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, chính trị; chưa có biện pháp bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp,… và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để có quy định đảm bảo cơ quan báo chí đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của Nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Phương phát biểu tại buổi thảo luận

Đối với Luật Tiếp cận thông tin: Nhiều ý kiến cho rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong quá trình tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng như phục vụ cuộc sống; góp phần nâng cao tính minh bạch cũng như hiệu quả quản lý của Nhà nước, nên việc xây dựng luật là cần thiết.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ cho rằng: việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 mà còn còn xuất phát từ bối cảnh bùng nỗ công nghệ, thông tin như hiện nay, mọi cá nhân đều có nhu cầu tiếp cận, trao đổi thông tin và đòi hỏi thông tin cần phải được minh bạch hóa, do đó, phạm vi điều chỉnh của luật quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân là chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung các đối tượng như: tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Nhà nước, vì các đối tượng này cũng có nhu cầu tiếp cận thông tin trong quá trình hoạt động; tại Điều 6 quy định các cơ quan nhà nước trong khoản 1 và 2 có trách nhiệm cung cấp thông tin là chưa đầy đủ, vì đối với cơ quan, đơn vị  hoặc các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước khi thực hiện các hoạt động như: thực hiện đề tài, chương trình xóa đói, giảm nghèo,… thì cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, nhằm đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình quản lý xã hội, quản lý nhà nước; tại Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm): đề nghị bổ sung hành vi cung cấp thông tin chưa được công bố, phát hành chính thức gây hại hoặc cố ý làm sai lệch thông tin, nhằm đảm bảo tính bao quát của luật; tại Điều 28 (Trình tự, thủ tục cung cấp bản sao, bản chụp hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện, fax) quy định thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải có thông báo về thời gian cung cấp thông tin là không phù hợp, vì trong trường hợp khoảng cách địa lý xa, quy định thời gian nêu trên là không hợp lý, vì vậy, đề nghị quy định thời hạn chậm nhất là 3 ngày ... kể từ ngày bưu điện tiếp nhận thư đến đóng dấu, nhằm đảm bảo tính khả thi của luật..

Đối với Luật Báo chí (sửa đổi): Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng quy định bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương được thành lập Tạp chí khoa học là không phù hợp, vì bệnh viện không phải là đơn vị nghiên cứu khoa học; và đề nghị: quy định cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu đa ngành được thành lập nhiều tạp chí khoa học; bổ sung đối tượng là các hội nghề nghiệp được thành lập Tạp chí khoa học, vì thực tế hoạt động khoa học của một số Hội nghề nghiệp đạt nhiều thành tựu trong thời gian qua; về tiêu chuẩn của tổng biên tập, phó tổng biên tập: quy định đối với cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đảm nhiệm chứ danh tổng biên tập, phó tổng biên tập cao hơn tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tăng thời gian 10 năm là phù hợp, nhằm tránh lãng phí chất xám, nguồn lực đối với cơ quan báo chí.

Thanh Bình