* Về Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo:
- Tại buổi thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh chóng, cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nên chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần phải thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, Dự thảo cần thể hiện điểm thông thoáng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo nhu cầu chính đáng của các tín đồ, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp; Ban soạn thảo cần quy định chế tài mạnh đối với cá nhân, tổ chức tôn giáo lợi dụng quyền tự do tính ngưỡng tôn giáo để trục lợi, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh xã hội, chính trị của đất nước; đề nghị bỏ nội dung xây dựng chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn,... về tôn giáo, chỉ cần quy định quản lý nhà nước về tự do, tín ngưỡng, tôn giáo bằng pháp luật là được.
- Đại biểu Nguyễn Minh Kha, Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an cho rằng, qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo nhận thấy còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nên việc ban hành luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp với Hiến pháp cũng như đáp ứng yêu cầu tương thích với Công ước quốc tế. Để Dự thảo luật được hoàn thiện hơn, đại biểu Nguyễn Minh Kha đề nghị: thiết kế một chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về điều kiện chấp thuận tổ chức tôn giáo, việc phong chức, phong phẩm, bầu cử, suy cử các chức sắc tôn giáo: cần quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, có ý kiến trước khi công nhận, nhằm đảm bảo chọn đúng người có phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết và tuân thủ pháp luật; về công nhận tổ chức tôn giáo: đề nghị nên quy định mở rộng hơn, căn cứ vào tiêu chí đáp ứng nhu cầu tâm linh chính đáng của tín đồ và tiếu chí tuân thủ pháp luật chứ không nên quy định thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên,… (đề nghị quy định thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm… là phù hợp); bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định chế tài đối với cá nhân, tổ chức tôn giáo không tuân thủ quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo công tác quản lý về hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiệu quả.
* Về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi):
- Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị lấy tên gọi của luật là Luật Trẻ em, nhằm đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được toàn diện hơn; thời gian qua, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em còn nhiều hạn chế (thiếu trường học, giáo viên, khu vui chơi, giải trí,…), nên đề nghị quy định tăng trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp nhằm đảm bảo luật đi vào cuộc sống khi ban hành; bên cạnh đó công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em phân tán nhiều cơ quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội) nên không phát huy hiệu quả, nhiều địa phương quản lý chưa chặt chẽ, nên Ban soạn thảo cần lưu ý, cân nhắc để có quy định phù hợp.
- Đại biểu Trần Hồng Thắm, Phó Giám đố Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho rằng quy định nâng độ tuổi của trẻ em từ 16 lên 18 tuổi là nhằm mục đích kéo dài thời gian chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, tuy nhiên, cơ sở khoa học của Ban soạn thảo đưa ra chủ yếu là nhằm đảm bảo tương thích với Công ước quốc tế chứ chưa xuất phát từ điều kiện kinh tế của nước ta, nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khi đưa ra quy định này; đề nghị không nêu khái niệm “trẻ em” (Điều 1) mà nên đưa vào mục giải thích từ ngữ (Điều 5), nhằm tránh tác động đến tâm lý trẻ em là không muốn bị xem là trẻ em khi đã hơn 16 tuổi - tuổi gần như đã phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức,…; đại biểu Trần Hồng Thắm cũng cho rằng quy định về quyền và bổn phận của trẻ em còn quá chung chung, mang tính tuyên truyền, khẩu hiệu, có nhiều điều khoản quy định về quyền của trẻ em nhưng chưa quy định các điều kiện, cơ chế để đảm bảo; đề nghị chỉ quy định tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đối với cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
- Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng nhiều điều khoản trong Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định mang tính chất định tính, khẩu hiệu nên tính khả thi chưa cao, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng súc tích, cụ thể hơn; về tên gọi: theo đánh giá tác động thì khái niệm “trẻ em” đối với một số nước không những thiên về thể chất, tư duy mà còn xuất phát từ điều kiện kinh tế của quốc gia, muốn kéo dài độ tuổi trẻ em để việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục được tốt hơn, vì vậy, nếu áp dụng vào điều kiện kinh tế còn khó khăn của nước ta là chưa phù hợp. Vì vậy, nếu lấy tên gọi là Luật Trẻ em thì trong phạm vi điều chỉnh phải nêu rõ là quy định về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em dưới 18 tuổi mới phù hợp; về quyền và bổn phận của trẻ em: đề nghị cấu trúc lại theo hai nhóm vấn đề: quyền của trẻ em được làm và quyền được các chủ thể khác làm cho trẻ em được thụ hưởng, nhằm đảm bảo tính súc tích của văn bản luật; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về, vai trò, nhiệm vụ của nhà trường (cơ sở giáo dục) trong giáo dục trẻ em, nhằm đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục cho trẻ em được toàn diện hơn.
Thanh Bình