Thảo luận Dự án Luật về Hội và Dự án Luật Dược (sửa đổi)

Ngày đăng: 23-11-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Chiều ngày 19/11/2015, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hòa Bình, Hà Nam cùng thảo luận tại Tổ về Dự án Luật về Hội và Dự án Luật Dược (sửa đổi).
Tại buổi thảo luận, nhìn chung, đa số đại biểu thống nhất với Dự thảo Luật về Hội và Dự án Luật Dược (sửa đổi). Tuy nhiên, để hai Dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, điển hình như: phạm vi điều chỉnh; công tác quản lý nhà nước; quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia tổ chức Hội; quyền lợi của người sử dụng thuốc; công tác đấu thầu thuốc; cơ cấu tổ chức, tiêu chí thành lập Hội,…

 
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Y dược Cần Thơ (Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ) đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh một số nội của Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) như sau:
Về chứng chỉ hành nghề: đề nghị quy định cấp một lần là phù hợp, trừ trường hợp cấp phù hợp với trình độ đào tạo cao hơn (theo yêu cầu); về văn bằng chứng chỉ chuyên môn và thời gian thực hành để cấp Chứng chỉ hành nghề: đề nghị thay từ “hóa học” thành từ “hóa dược” (Điểm đ Khoản 1), vì nếu điều chỉnh cả ngành hóa học là quá rộng và không phù hợp với nội dung đào tạo; về nguồn dược liệu: đề nghị quy định cơ chế, tạo điều kiện để phát triển nguồn dược liệu, đặc biệt, đối với dược liệu quý của nước ta, bên cạnh đó cũng quan tâm đầu tư trang thiết bị chiết xuất tinh chất của dược liệu để tạo ra sản phẩm thuốc điều trị; về quảng cáo thuốc: đề nghị quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng; về hoạt động kinh doanh dược và các hình thức tổ chức kinh doanh dược: đề nghị bổ sung quy định bắt buộc có đại lý thuốc ở vùng sâu, vùng xa, miền núi theo quy định hiện hành; về đấu thầu thuốc: cần quy định thống nhất về giá đấu thầu tại các cơ sở y tế, nhằm tránh tình trạng trục lợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng thuốc khi điều trị bệnh.
 
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Kha, Thiếu tướng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an (Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ) cơ bản tán thành Tờ trình Dự án Luật về Hội của Chính phủ và cho rằng việc ban hành Luật về Hội là cần thiết, nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, cần quy định (phân biệt) rõ từng loại hình hoạt động của Hội để công tác quản lý nhà nước được hiệu quả hơn; về phạm vi điều chỉnh: bổ sung quy định về quyền tự do lập Hội, nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân; đề nghị bổ sung quy định người nước ngoài tham gia tổ chức Hội tại Việt Nam và người Việt Nam tham gia tổ chức Hội ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước Việt Nam và nước sở tại, nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ hơn; bên cạnh đó, đề nghị quy định cá nhân tham gia tổ chức Hội được hưởng lợi các giá trị về vật chất và tinh thần từ hoạt động của tổ chức Hội, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cũng bày tỏ sự tán thành với Tờ trình của Chính về Dự án Luật về Hội và Dự thảo luật về Hội khi phát biểu tại buổi thảo luận, vì cho rằng thể hiện được quan điểm của Đảng, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ Hội, sự tự nguyện, bình đẳng, minh bạch và quyền lợi của công dân; thống nhất việc phân biệt rõ về tổ chức Hội là không nhất thiết phải thành lập theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, mà xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương; về phạm vi điều chỉnh: đề nghị bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức Hội và hội viên; về đối tượng áp dụng: đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khi loại trừ các đối tượng: Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, để có quy định phù hợp với tình hình thực tế; cần quy định về kinh phí hoạt động của Hội theo hướng chỉ sử dụng ngân sách đối với hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị của Nhà nước; về số lượng thành viên được thành lập hội: đề nghị quy định số lượng nhiều hơn ba thành viên nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức; về cơ cấu tổ chức Hội: đề nghị nên quy định do Điều lệ Hội quy định là phù hợp./.
Thanh Bình