Ngày 05/6/2015, Quốc hội nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc và thảo luận tại hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo và cho rằng các số liệu nêu trong Báo cáo tương đối rõ ràng, cụ thể, là cơ sở quan trọng để các ngành, các cấp, trước hết là các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử chấn chỉnh các hoạt động của cơ quan mình, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong điều tra, truy tố, xét xử để giảm oan, sai cho người vô tội.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng nội dung Báo cáo mới chỉ đề cập đến vấn đề oan, sai trong tố tụng hình sự mà chưa nêu lên được những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nên chưa thực sự toàn diện và chưa động viên được tinh thần của cán bộ tư pháp, vì thực tế tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi và xảo quyệt.
(Ông Nguyễn Minh Kha phát biểu tại hội trường)
Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II), đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát và cho rằng muốn đánh giá nguyên nhân dẫn đến oan, sai và trách nhiệm thuộc cơ quan nào thì cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật gắn với trách nhiệm của tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng, phải xem xét một cách khách quan đối với từng vụ án, từng trường hợp cụ thể.
Về giải quyết tin báo tố giác tội phạm: Nhìn chung, cơ quan chức năng triển khai thực hiện tương đối tốt, đối với các trường hợp tố giác tin báo tội phạm chưa được giải quyết chủ yếu là do quy định về thời gian giải quyết tố giác tin báo tội phạm chưa phù hợp với thực tế, nhất là tội phạm kinh tế; người báo tin tố giác tội phạm không hợp tác với cơ quan điều tra; người bị hại không đi giám định hoặc từ chối giám định tỷ lệ thương tích; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết tố giác tin báo tội phạm còn bất cập, nhất là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cụ thể là thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ một số hoạt động điều tra, tiếp nhận, giải quyết tố giá tin báo tội phạm. Vì vậy, đề nghị trong báo cáo giám sát cần đề cập thêm nội dung này.
Về giải quyết phòng ngừa, hạn chế mức thấp nhất oan, sai: Bên cạnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cần phải chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng oan, sai trong thời gian tới./
Thanh Bình
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ.