Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII – ngày làm việc thứ 17

Ngày đăng: 11-06-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Sáng ngày 10/6/2015, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Hòa Bình, Hưng Yên cùng thảo luận tại Tổ về Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). 

Tham gia thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ tham gia đóng góp một số nội dung như sau:

- Dự thảo Luật chỉ quy định hai chủ thể quan hệ pháp luật dân sự cá nhân và pháp nhân là chưa phù hợp với tình hình thực tế, vì hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự đang tồn tại trong xã hội, điển hình như trong quá trình cấp đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình có nảy sinh mối quan hệ pháp luật dân sự. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể trong mối quan hệ dân sự, nhằm đảm bảo pháp luật đi vào cuộc sống tốt hơn.

(Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp và Trần Hồng Thắm phát biểu tại buổi thảo luận)

- Về sử dụng tài sản chung: Hiện nay, đang tồn tại phổ biến tranh chấp về lối đi chung (lối đi vào nhà, lối đi canh tác, sản xuất,..) giữa các hộ liền kề và việc giải quyết tranh chấp của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, nên đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý, giải quyết tranh chấp dân sự của cơ quan nhà nước được tốt hơn, đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho rằng, Dự thảo không nên quy định đặt tên không được quá 25 chữ cái, vì chưa có căn cứ khoa học nào để có quy định này, và cho rằng việc đặt tên quá dài cũng không làm ảnh hưởng đến văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Vì vậy, chỉ quy định không đặt tên bằng số, bằng ký tự là được.

Về quyền thay đổi họ, tên: Khoản 2 Điều 27 quy định việc thay đổi họ cho người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó, nhưng Điểm a Khoản 1 Điều 28 quy định đối với người dưới 14 tuổi thì mọi trường hợp không bị hạn chế, điều này không thống nhất vì khi thay đổi họ thì từ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý với người đó, nhưng thay đổi tên thì dưới 14 tuổi thì không bị hạn chế, nên đề nghị Ban soạn thảo đưa ra căn cứ khoa học tại sao có sự khác biệt về độ tuổi khi thay đổi họ, tên; và đề nghị quy định độ tuổi thay đổi họ, tên thống nhất với nhau là phù hợp.

Về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Quy định “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được đảm bảo an toàn và bí mật” là chưa khả thi, vì hiện nay, thư điện tử cá nhân chưa được đảm bảo an toàn và nếu bị xâm phạm thì việc khiếu kiện như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này hoặc quy định chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo tính khả thi của Bộ luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhận định, việc đặt tên dài hay ngắn là quyền của con người, nhưng trong thực tế nếu tên quá dài thì việc khai báo sẽ gặp nhiều khó khăn và mất thời gian (ví dụ khai báo làm thủ tục ở sân bay, cấp bằng, chứng chỉ,…) và đặt câu hỏi, nếu trên tờ khai báo chỉ có một số ô nhất định để điền các chữ cái trong khi tên quá dài thì sẽ xử lý như thế nào? Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo không nên quy định bắt buộc mà chỉ cần khuyến cáo không nên đặt tên quá dài để được thuận lợi hơn trong các giao dịch liên quan đến nhân thân là phù hợp.

Về quyền xác định lại giới tính: Quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng đối với trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác là chưa phù hợp, vì không mang tính răn đe, mặc dù nhà nước không thừa nhận nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn giải quyết cho người chuyển giới thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác là không hợp lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính là phù hợp, vì không có ý nghĩa ràng buộc.

Về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ cơ quan nào là chủ thể trong đảm bảo an toàn về bí mật, nhằm đảm bảo khả thi hơn.

Đồng thuận với ý kiến của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đề nghị Ban soạn thảo đưa hộ gia đình và tổ hợp tác là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật, vì trong thực tế hộ gia đình, tổ hợp tác có liên kết, hợp tác với nhau trong việc vay vốn, mua bán vật tư, nguyên liệu đầu vào đầu ra,… nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nên nếu không đưa vào Bộ luật điều chỉnh thì làm hạn chế quyền lợi, cũng như động lực phát triển sản xuất của hộ gia đình và tổ hợp tác./.

                                                                                             Thanh Bình   
                                  Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ.