Sáng ngày 13/6/2015, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Hòa Bình, Hưng Yên cùng thảo luận tại Tổ về Dự án Luật An toàn thông tin và Dự án Luật Khí tượng thủy văn.
(Đại biểu Nguyễn Thanh Phương và Trần Hồng Thắm phát biểu tại buổi thảo luận)
Tham gia thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố thể hiện sự tán thành đối với Dự thảo Luật An toàn thông tin về quy định cấp phép sản xuất và tiêu thụ mật mã dân sự không giới hạn doanh nghiệp trong hay ngoài nước, cụ thể, quy định về sản xuất sản phẩm mật mã dân sự, trong đó quy định doanh nghiệp mật mã dân sự phải có giấy phép sản xuất sản phẩm mật mã dân sự và muốn được cấp phép thì phải đảm bảo yêu cầu về tư cách pháp nhân độc lập, có lực lượng kỹ thuật và diện tích tương ứng với việc sản xuất sản phẩm mật mã dân sự, có thiết bị, công nghệ sản xuất; có hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm mật mã dân sự,… và phải đảm bảo điều kiện khác do Chính phủ quy định, đây là các vấn đề đặt ra rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Ngoài quy định cá nhân có trách nhiệm bảo vệ thông tin của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng, Ban soạn thảo cũng nên quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong bảo vệ thông tin cá nhân phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp để xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân, bên cạnh đó, nội dung này (nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ tông tin cá nhân trên mạng) cũng cần phải được làm rõ và quy định chặt chẽ, bao quát hơn, nhằm đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân được bảo vệ; đồng thời, cũng cần bổ sung quy định xử lý nghiêm minh đối với đối tượng xâm phạm bí mật thông tin cá nhân, tổ chức, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thông tin.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng tên Dự thảo luật là “Luật An toàn thông tin” là chưa phù hợp, vì không bám sát với phạm vi điều chỉnh của Luật, nên đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh, đảm bảo thống nhất giữa tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, quy định về đảm bảo an toàn thông tin của cá nhân, tổ chức, cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia nhằm đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đây là nội dung rất quan trọng nhưng Dự thảo luật mới chỉ đề cập nội dung mang tính kỹ thuật chứ chưa đề cập nhiều về cơ chế chính sách, pháp luật trong hoạt động an toàn thông tin để góp phần thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong môi trường an toàn thông tin cho cá nhân, tổ chức và các nhà đầu tư nên Ban soạn thảo cần quan tâm thêm nội dung này. Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin cũng chưa được cụ thể, rõ ràng, có nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định. Vì vậy, Ban soạn thảo nên quy định cụ thể hơn để chất lượng của văn bản luật được đảm bảo.
Tham gia đóng góp ý kiến về Dự án Luật Khí tượng thủy văn, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần thơ đưa ra một số ý kiến và nhận đinh: Vấn đề khí tượng thủy văn có vai trò rất quan trong trong đời sống xã hội cũng như đời sống kinh tế, nếu dự báo, cảnh báo đúng về diễn biến khí tượng thủy văn sẽ có ý nghĩa rất lớn trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên như hiện nay thì vài trò của dự báo khí tượng thủy văn càng trở nên quan trọng hơn, do đó, việc xây dựng Luật là rất cần thiết.
Dự thảo quy định về mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn gồm hai hệ thống, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý và khai thác và mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do Bộ, ngành, địa phương, tổ chức cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác, điều này là cần thiết, tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều mạng lưới quan trắc quốc gia như mạng lưới quan trắc môi trường, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước và trạm khí tượng thủy văn,… mặc dù, mỗi hệ thống quan trắc có chức năng, mục tiêu khác nhau, phương tiện khác nhau nhưng đều liên quan đến lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn, nên nếu các trạm quan trắc có sự liên kết, chia sẽ số liệu, phương tiện, khai thác lẫn nhau thì hoạt động sẽ hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cũng như nguồn nhân lực. Vì vậy, Ban soạn thảo nên quy định các hệ thống quan trắc có quy chế phối hợp, gắn kết để chia sẽ, khai thác số liệu về quan trắc trong hoạt động là phù hợp.
Về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Dự thảo chỉ đề cập đến hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn chứ chưa nêu rõ hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là cơ quan nào, và có gắn với cơ quan quan trắc hay không? nên Ban soạn thảo cần quy định rõ để công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn được hiệu quả; bên cạnh đó, cũng cần có quy định trách nhiệm, chế tài đối với cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước nếu đưa thông tin dự báo, cảnh báo về khí tượng thủy văn có sai số lớn, nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn được chặt chẽ hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.