Thảo luận Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) - ngày làm việc thứ 7

Ngày đăng: 28-10-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành về những quy định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án phải góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, có ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành về những quy định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án phải góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, có ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cũng bày tỏ sự tán thành với Dự thảo Luật, tuy nhiên, để Dự thảo hoàn chỉnh hơn nữa, đề nghị Ban soạn thảo Luật bổ sung, điều chỉnh một số nội dung sau đây:

- Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân (Điều 2): Đề nghị Ban soạn thảo bỏ Khoản 9, vì quy định “Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật” là quá chung chung.

- Về tổ chức Tòa án nhân dân (Điều 3): Thống nhất như Dự thảo Luật quy định về hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, việc không quy định thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong lần sửa đổi này là phù hợp với thực tiễn và sự mong muốn của đồng bào cử tri cả nước. Riêng về quy định Tòa án nhân dân cấp cao, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ có bao nhiêu Tòa án nhân dân cấp cao là phù hợp?; đồng thời, cũng nên làm rõ nhiệm vụ của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao và Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhằm khẳng định vị trí pháp lý và nâng cao vai trò của hai ủy ban này hơn nữa.

- Về bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (Điều 6):Tại Khoản 2 quy định “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm” là chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung thêm nội dung “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật và có khiếu nại, có kiến nghị thì được xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nhằm tăng quyền lợi cho công dân hơn nữa.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao (Điều 29): Tại Khoản 2 quy định Tòa án nhân dân cấp cao chỉ thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm, quyết định có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kể cả cấp huyện, quận và tương đương là chưa phù hợp. Đề nghị, đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận và tương đương nên quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm là phù hợp. Bên cạnh đó cũng đề nghị bổ sung nội dung thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, vì hiện tại, thỉ Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang thể hiện rất tốt vai trò xem xét giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân ở địa phương, bình quân mỗi năm ở thành phố Cần Thơ xem xét hơn 20 bản án quyết định, nếu cả nước tập trung về Tòa án nhân dân cấp cao thì dẫn tới việc tồn đọng trong quá trình xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm, gây phiền hà cho nhân dân.

- Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Điều 66): Theo quy định này thì cả nước chỉ có một hội đồng duy nhất để thi tuyển chọn nguồn Thẩm phán để xem xét tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán (theo quy định của Điều 67 Dự án Luật). Theo đó, thành viên Hội đồng khá đông với nhiều thành phần khác nhau, ngoài ra cấp tỉnh không còn tồn tại Hội đồng nào. Vấn đề đặt ra là nhu cầu bổ nhiệm và tái bổ nhiệm Thẩm phán ở các địa phương là rất lớn, vậy Hội đồng có họp xét kịp thời hay không? Đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ; bên cạnh đó cũng đề nghị nên bổ sung quy định thành lập Hội đồng xét tuyển Thẩm phán cấp tỉnh như Pháp lệnh hiện hành hoặc thành lập Ban Giám sát Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giúp Tòa án nhân dân tối cao tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán là phù hợp.

- Về Hội thẩm nhân dân: Quy định Hội thẩm nhân dân được thành lập theo đoàn Hội thẩm để tự quản là chưa phù hợp vì e rằng khả năng tự quản sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể xảy ra tình trạng không ai quản lý, nhắc nhở trong thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung kết hợp giữa tự quản của Đoàn hội thẩm nhân dân với trách nhiệm quản lý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đối với Hội thẩm nhân dân là phù hợp.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)./.

                                                                                                       Thanh Bình
Chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ