Kỳ vọng từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ

Ngày đăng: 29-03-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Mới đây, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) TP Cần Thơ chính thức khởi động. Dự án được triển khai trong điều kiện các địa phương ráo riết thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, các ngành chức năng, địa phương và đông đảo nông dân TP Cần Thơ rất quan tâm và kỳ vọng về hiệu quả từ dự án.

Cơ hội cho ngành nông nghiệp

Tại TP Cần Thơ, VnSAT sẽ được triển khai trên địa bàn 3 huyện, với 16 xã tham gia, gồm: Thạnh Lợi, Thạnh An, thị trấn Thạnh An và Thạnh Thắng của huyện Vĩnh Thạnh; Thới Xuân, Trung Thạnh, Thạnh Phú, Trung Hưng và Đông Thắng huyện Cờ Đỏ; Đông Bình, Đông Thuận, Trường Xuân, Trường Xuân A, Xuân Thắng, Trường Thành và Trường Xuân B huyện Thới Lai. Tổng diện tích tham gia dự án gần 30.000ha, chiếm khoảng 34% diện tích lúa của toàn thành phố và gần 50% diện tích sản xuất lúa của các huyện tham gia. Thời gian thực hiện dự án từ 2015-2020, tổng mức đầu tư hơn 323 tỉ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Thế Giới gần 209,7 tỉ đồng, vốn đối ứng của thành phố khoảng 39,5 tỉ đồng, còn lại là vốn do nông dân, tổ chức nông dân và các doanh nghiệp tham gia dự án trực tiếp đóng góp. Dự án góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Cụ thể, tăng thu nhập của hộ nông dân sản xuất lúa; áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã. Giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa gạo; tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

VnSAT được kỳ vọng góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

VnSAT tại thành phố bao gồm 2 hợp phần chính: hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững và quản lý dự án. Trong đó, các hoạt động của hợp phần hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững giúp tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo. Đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa. Trong thời gian thực hiện dự án, triển khai chương trình đào tạo cho nông dân về công nghệ mới canh tác lúa bền vững thông qua các mô hình trình diễn để thay đổi hành vi và tập quán sản xuất của nông dân. Bên cạnh đó, xây dựng năng lực cho các tổ chức nông dân, hỗ trợ liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp chế biến, tăng chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu, khuyến khích luân canh đa dạng hóa để nâng cao thu nhập cho các tổ chức nông dân và các thành viên. Đồng thời, cải thiện cung cấp dịch vụ công hỗ trợ nông dân áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, giám sát việc áp dụng của nông dân. Các hoạt động trong hợp phần quản lý dự án gồm: đào tạo, tập huấn, trang thiết bị, phương tiện cần thiết và chi phí vận hành cho Ban Quản lý dự án để đảm bảo dự án triển khai theo đúng tiến độ, chất lượng, đúng sổ tay hoạt động dự án. Chẳng hạn, chính sách an toàn, mua sắm, quản lý tài chính, kiểm toán, báo cáo và giám sát.

Tăng thu nhập cho nông dân

Khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang là vấn đề lớn. Đây cũng là thực trạng để Chính phủ xác định tập trung nguồn lực cho ngành hàng then chốt này, trong đó dự án VnSAT sẽ là nguồn lực quan trọng. VnSAT đặt mục tiêu giúp nông dân áp dụng công nghệ sản xuất lúa tiên tiến, giúp lợi nhuận tăng thêm 30%, giá trị sản xuất vùng lúa ĐBSCL tăng thêm từ 40-60 triệu USD/năm. Đến năm thứ 3 của dự án, phấn đấu có từ 70- 75% nông dân được đào tạo sẽ áp dụng "3 giảm 3 tăng". Sau đó, dự án sẽ hỗ trợ nông dân thành lập hoặc tăng cường năng lực cho các hợp tác xã hoặc tổ chức nông dân để tiếp tục phát triển từ "3 giảm, 3 tăng" lên "1 phải, 5 giảm". Các hoạt động của VnSAT nhằm tạo ra bước đột phá trong 5 năm tới cho sản xuất lúa TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Do vậy, đặt ra kỳ vọng lớn cho người nông dân, nhà quản lý trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tham gia buổi lễ khởi động VnSAT TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Ba, nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi xã Thạnh Phú được lựa chọn tham gia dự án VnSAT của thành phố. Bởi không ai khác chính nông dân được hưởng lợi trực tiếp. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới dự án sẽ đầu tư khép kín hệ thống đê bao sản xuất, xây dựng hệ thống bơm điện phục vụ tưới tiêu, đào tạo cán bộ tổ hợp tác kiểm định lúa giống, giới thiệu thêm đối tác bao tiêu sản phẩm… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người trồng lúa".

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp thành phố nói riêng và cả nước nói chung còn đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, điệp khúc "trúng mùa, rớt giá", tình hình sâu bệnh, biến đổi khí hậu… ảnh hưởng đến năng suất cây lúa, đời sống người nông dân còn nhiều bấp bênh. VnSAT là dự án lớn của ngành nông nghiệp và toàn diện. Bởi dự án hỗ trợ nông dân từ kỹ thuật canh tác, tổ chức lại sản xuất, huy động nguồn vốn… Để dự án thật sự mang lại hiệu quả, người nông dân cần phát huy tính chủ động, vai trò chủ thể của mình. Ngành nông nghiệp thành phố cần nghiên cứu kỹ dự án và sâu hơn, bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương triển khai dự án, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.

Bà Hoàng Kim Cương, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, chia sẻ: Thông qua dự án, nâng cao cơ sở hạ tầng sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa gạo, nâng cao năng lực quản lý của các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao… Hầu hết các xã tham gia dự án là các xã đang xây dựng nông thôn mới. Một trong những khó khăn của các xã hiện nay là tìm giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Dự án góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, qua đó giúp các xã có điều kiện hoàn thành các tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10), giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí số 11), hoàn thiện hệ thống thủy lợi (tiêu chí số 3), hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13). Do đó, lãnh đạo các xã cần tận dụng cơ hội từ dự án, lồng ghép hoàn thành các tiêu chí. Theo đó, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân hiểu về dự án, tham gia tập huấn, thực hiện nghiêm túc các mô hình…

Bài, ảnh: T. TRINH

 

VnSAT do Ngân hàng Thế Giới tài trợ và được triển khai thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và 7 tỉnh lựa chọn thí điểm tái cơ cấu là Vĩnh phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng.

Dự án đặt mục tiêu đổi mới phương thức quản lý canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho cây cà phê ở Tây Nguyên và cây lúa ở ĐBSCL với tổng vốn hỗ trợ hơn 300 triệu USD, tương đương hơn 6.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng Thế Giới là 238 triệu USD, vốn đối ứng 28 triệu USD và vốn tư nhân 35 triệu USD... VnSAT có 4 hợp phần, bao gồm: Tăng cường năng lực thể chế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững; Phát triển cà phê bền vững và hợp phần Quản lý dự án.