Chiều ngày 27 tháng 11 năm 2013, tại buổi thảo luận tại hội trường về Luật Đầu tư công, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (thành phố Cần Thơ) nêu rõ quan điểm:
định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án được sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, việc triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật, cho nên có bộ, ngành, có địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Có nơi chủ trương tiến hành xây dựng còn nguồn lực để thanh toán thì cứ để đó, ta tiếp tục tranh thủ xin, gây hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn. Người quyết định đầu tư đã có trách nhiệm gì?
Từ thực tế trên cho thấy việc ban hành Luật Đầu tư công rất cần thiết, nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ việc đầu tư công của cả nước.
Về quan điểm xây dựng Luật Đầu tư công, tôi thống nhất và đề nghị cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công ở Điều 57, Khoản 1, quy định: các bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp. Dự thảo ở Điểm đ ghi: chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu tự bỏ vốn đầu tư tức là các dự án khi chưa được bố trí vốn kế hoạch hàng năm hoặc yêu cầu nhà thầu bỏ vốn đầu tư ngoài mức vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc lại Khoản này và đề nghị nên cho nhà thầu ứng một tỷ lệ vốn thi công trước và được thanh toán khi có vốn thanh toán. Qua lấy ý kiến địa phương thì nhiều sở, ngành cũng đề nghị nên có xem xét đến vấn đề này.
Tôi thống nhất với Khoản 1, Điều 57: Trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp phải tự cân đối các nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản khi để nợ đọng xây dựng cơ bản xảy ra trên bộ cũng như địa phương mình.
Về giám sát đầu tư cộng đồng ở Điều 65 của dự thảo là sử dụng tiền thuế của nhân dân đóng góp hoặc tiền vay nhưng cuối cùng người dân cũng sẽ là người có trách nhiệm đóng góp để trả nợ, nên luật quy định: Giám sát đầu tư cộng đồng là hợp lý. Nhưng nội dung người dân tham gia giám sát các chương trình dự án đầu tư công như dự thảo luật là chưa đủ. Tôi đề nghị Ban soạn nghiên cứu bổ sung thêm, ví dụ như chủ đầu tư phải công khai dự toán thiết kế kinh phí, thời gian hoàn thành để nhân dân tham gia giám sát tiến độ thi công, chất lượng công trình để kịp thời đóng góp và phát hiện những tiêu cực nếu có nhằm sớm khắc phục sửa chữa, đảm bảo công trình chất lượng. Tôi thống nhất đề nghị quy định ở Điều 76 (Khoản 2): Người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện vay thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất lãng phí đó và phải bị xử lý kỷ luật về mặt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về mặt hình sự.
Qua báo cáo của bộ, ngành Trung ương thì việc đầu tư công thời gian qua dàn trải dẫn tới nợ đọng lớn. Có nhiều công trình đầu tư quá hoành tráng không cần thiết, nợ đọng đang ở ngưỡng cao, báo động. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số điều luật có hướng siết chặt hơn trong việc đầu tư công, hạn chế những công trình quá hoành tráng trong khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn gặp khó khăn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có điều luật giao cho đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tất cả các công trình đầu tư công nếu thấy cần thiết…”