Trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật Giao thông đường thủy nội địa (sáng 27 tháng 11 năm 2013), ĐBQH Nguyễn Minh Kha (thành phố Cần Thơ) cho biết:
“… Sau khi nghiên cứu tiếp thu, giải trình dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa của Bộ Giao thông vận tải, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tờ trình của Chính phủ, tôi xin tham gia một số nội dung sau đây:
Tôi nhận thấy dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa không chỉ có chức năng điều tiết, xử lý giao thông đường thủy mà một số lĩnh vực khác như bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm trên sông.... Ví dụ như những vụ khai thác cát trái phép trên sông, tài nguyên thiên nhiên khác, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát môi trường và các sở, ngành đều tham gia xử lý, vì vậy tôi đề nghị xem xét những vấn đề trên bổ sung vào dự luật.
Nhân đây tôi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư vận tải đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tự nhiên, thiên nhiên ban tặng. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông ngòi, sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước phục vụ cho xuất khẩu nhưng đường thủy chưa được quan tâm đúng mức, nhất là nạo vét, cắm biển, phân luồng.... Tôi cho rằng vận tải đường thủy gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm áp lực cho đường bộ, giá thành vận tải thấp sẽ có lợi cho người nông dân và doanh nghiệp.
Về những vấn đề cụ thể tôi xin đóng góp như sau:
Một, tại Khoản 1, Điều 1, dự thảo đề nghị bổ sung nội dung cứu nạn, cứu hộ và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa và phạm vi điều chỉnh của luật vì Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 có Chương VIII và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Chương VIII A điều chỉnh vấn đề này.
Tại Khoản 8, Điều 1, dự thảo đề nghị bổ sung thêm hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông đường thủy vào các danh mục bị cấm. Thực tế cho thấy nhiều kiểu phương tiện thuê người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện gây tai nạn giao thông, nhiều vụ rất thương tâm.
Hai, tại Khoản 14, Điều 1, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30, quy định giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng được phân thành 4 hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba và hạng tư.
Tại Khoản 17, Điều 1, sửa đổi, bổ sung Điều 33 nhưng không quy định thuyền viên có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn các hạng được phép điều khiển các phương tiện tương ứng. Về những quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 thực hiện cho đến nay vẫn còn thuận lợi. Đồng thời tránh để nội dung mà nhiều cơ quan quy định hướng dẫn dẫn đến chồng chéo không thống nhất, cũng như tránh luật được ban hành có hiệu lực thi hành nhưng phải chờ nghị quyết, thông tư hướng dẫn.
Tại Khoản 19, Điều 1, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 35 quy định trọng tải, công suất, tiêu chuẩn, phương tiện, giấy chứng nhận..., trên thực tế cho thấy những người trên 60 tuổi vẫn khỏe mạnh, đủ khả năng điều khiển phương tiện gia đình như xuồng máy, thuyền máy. Tôi đề nghị không nhất thiết phải quy định độ tuổi điều khiển phương tiện loại này mà giữ nguyên như qui định hiện hành.
Đối với phương tiện mang tính chuyên nghiệp như đò dọc, đò ngang đưa rước khách được quy định kiểm định định kỳ, người điều khiển phải có bằng lái, có phao cứu hộ, đảm bảo độ an toàn cao nhất.
Ba, đề nghị sắp xếp lại các Khoản của Điều 3 theo thứ tự từ tổng thể đến chi tiết, cụ thể chuyển Khoản 4 thành Khoản 2 và Khoản 2 thành Khoản 3 và Khoản 3 thành Khoản 4. Đề nghị thay từ "của mình" bằng từ "này" vào cụm từ "thẳng trước mỗi phương tiện của mình" bằng cụm từ "theo hướng đối diện nhau" ở Khoản a, Điều 3 luật hiện hành, cụ thể như sau: “Phương tiện đi đối hướng với nhau mà từ phương tiện này nhìn thấy phương tiện kia theo hướng đối diện”, như vậy sẽ dễ hiểu đầy đủ hơn về câu chữ.
Bốn, tôi đề nghị thay từ "phương tiện thô sơ" bằng "phương tiện gia dụng" là phương tiện chỉ phục vụ cá nhân cho gia đình, không tham gia kinh doanh vận tải công suất 15 sức ngựa, có trọng tải toàn phần 15 tấn và chở 12 người. Thay cụm từ “phương tiện gia dụng” cho dễ hiểu và gần nghĩa với việc xác định loại phương tiện sử dụng trong gia đình, đồng thời phù hợp với dự thảo, bỏ Khoản 4, Điều 24 Luật giao thông đường thủy năm 2004 quy định về điều kiện phương tiện thô sơ.
Năm, về điều kiện dự thi nâng hạn giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng và điều khiển phương tiện đảm nhiệm chức danh máy trưởng vận hành, Khoản 16, 17, 18, Điều 1 của dự thảo để áp dụng được điều này khi luật này có hiệu lực thi hành. Đề nghị quy định cụ thể các điều kiện dự thi nâng hạn giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đảm nhận chức danh thuyền trưởng, điều khiển phương tiện đảm nhận chức danh máy trưởng, vận hành máy mà không nhất thiết phải do các bộ, ngành quy định chi tiết nội dung trên.
Sáu, về nhiệm vụ, quyền hạn của cảng vụ đường thủy nội địa, Khoản 24, Điều 1 đề nghị bỏ quy định cảng vụ đường thủy nội địa được kiểm tra an ninh được quyền không cho phép phương tiện tàu biển về cảng vì lý do an ninh. Nội dung này không thuộc chức năng của cảng vụ, quy định như trên là chồng chéo với các lực lượng khó thực hiện...”
Quốc Trung (lược ghi)