Chợ nổi Cái Răng là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn của Cần Thơ. Thế nhưng, thời gian gần đây, chợ nổi Cái Răng đang phải đối mặt với một số vấn đề về dịch vụ, vệ sinh môi trường... Làm gì để tăng sức hấp dẫn của chợ nổi Cái Răng? Sau đây là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý mà PV Báo Cần Thơ ghi nhận được tại cuộc họp bàn về vấn đề này do UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức.
![]() |
|
- Cần thống nhất nhận thức: chợ nổi Cái Răng nói riêng và ĐBSCL nói chung là nguồn tài nguyên quý giá, một hình thức văn minh thương mại, một đặc trưng văn hóa và đặc sản du lịch, niềm tự hào của vùng đất, con người Nam bộ. Nếu so sánh với chợ nổi ở Thái Lan, chợ nổi của Việt Nam hơn hẳn về quy mô. Đặc biệt, chợ nổi ĐBSCL rất có chiều sâu văn hóa, lại được hình thành một cách tự nhiên. Khi đến chợ nổi, du khách rất ấn tượng với hình ảnh cây bẹo trên những chiếc ghe hàng; bên cạnh đó, người dân thương hồ lại thân thiện, nhiệt tình, cởi mở trong giao dịch, buôn bán; cách truyền hàng giữa người mua và người bán cũng độc đáo; số lượng ghe xuồng thay đổi theo từng thời điểm trong ngày, trong tháng và trong năm tạo sự khác biệt, mới lạ. Có thể nói, đây là các yếu tố góp phần thu hút du khách đến với chợ nổi. Tuy nhiên, lượng du khách đến với chợ nổi Cái Răng nói riêng và ĐBSCL nói chung hàng năm còn thua xa ở Thái Lan. Đó là do những hạn chế trong cách làm du lịch của ta.
ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ ĐỂ THU HÚT VÀ KÍCH THÍCH CHI TIÊU CỦA DU KHÁCH - Quan điểm của lãnh đạo thành phố là duy trì và phát triển chợ nổi Cái Răng để làm điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ. Việc thành lập Ban quản lý và điều hành chợ nổi rất cần thiết nhằm điều hành hoạt động của chợ, gìn giữ an ninh trật tự và giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình hoạt động của chợ nổi. Địa phương và các ngành hữu quan cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương và khách thương hồ để họ trân trọng và ra sức bảo vệ môi trường sông nước. Ngoài ra, UBND quận Cái Răng cũng như các quận, huyện lân cận cần tạo điều kiện cho người dân địa phương, khách thương hồ được tham gia vào hoạt động du lịch. Qua đó, vừa mang lại lợi ích cho họ, vừa góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đối với cộng đồng. Để thu hút du khách đến chợ nổi Cái Răng ngày càng nhiều hơn và kích thích sự chi tiêu của du khách, ngành du lịch cần đầu tư, phát triển các dịch vụ: chợ chuyên bán trái cây đặc sản, nhà hàng nổi phục vụ nhu cầu ăn uống cho du khách; tạo điều kiện và dành thời gian cho du khách được trò chuyện và tham gia mua bán với người dân, chụp ảnh, quay phim; đờn ca tài tử, chợ đêm trên sông… Hiện nay, đã có trạm dừng chân chợ nổi tại phường An Bình, quận Cái Răng cần nghiên cứu tổ chức thêm một trạm phía bên phường Lê Bình để khách du lịch có thể dừng chân nhìn ngắm toàn cảnh chợ nổi và nghỉ ngơi, giải trí. Đối với vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch chợ nổi Cái Răng, cần xem xét mối liên quan giữa giá trị văn hóa, sự hình thành của chợ nổi với vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn giao thông thủy. Đồng thời trên cơ sở đó, nhìn nhận chợ nổi ở góc độ văn hóa, một điểm du lịch độc đáo ở ĐBSCL để có thể khai thác du lịch hiệu quả hơn, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động mua bán trên sông cũng như nét đặc trưng vốn có. |
![]() |
|
- Cần đặt lên hàng đầu việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch ở chợ nổi. Hiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ… phục vụ du khách ở chợ nổi chẳng có gì, ngoài mặt bằng sông nước "trời cho". ĐBSCL có nhiều chợ nổi và không thể phủ nhận thực tế là chợ nổi nơi này cũng giống như chợ nổi nơi kia. Điều đó làm cho thời gian tham quan chợ nổi Cái Răng của du khách thường rất ngắn. Nhiều năm qua, du khách đến với chợ nổi chỉ ở dạng "cưỡi ngựa xem hoa", vài tiếng đồng hồ rồi thôi. Trong khi đó ở chợ nổi Cái Răng nói riêng và chợ nổi ĐBSCL nói chung còn có rất nhiều điều để du khách xem, nghe, thưởng ngoạn. Những thứ đó lại chưa được nâng lên thành sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, chợ nổi chưa có đài, trạm quan sát có độ cao phù hợp để du khách có thể nhìn toàn cảnh chợ nổi. Nói chung, du khách muốn khám phá nhiều hơn nữa và tiềm năng chợ nổi còn rất dồi dào. Cụ thể, sau khi hòa nhập với không khí bán mua nhộn nhịp, du khách cần có chỗ để nghỉ ngơi, giải trí và lắng đọng tâm hồn. Muốn vậy, chợ nổi phải có các dịch vụ bổ trợ để có thể thiết kế chương trình tour hấp dẫn, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, và ở mọi "công đoạn": ăn, nghỉ, giải trí, tham gia vui chơi và mua sắm quà lưu niệm…
![]() |
|
- Giới chức địa phương đang khá lúng túng trong công tác quản lý hoạt động chợ nổi Cái Răng, bởi đến nay vẫn chưa có một văn bản nào quy định việc quản lý chợ nổi hoặc chính sách phát triển du lịch chợ nổi. Chợ nổi là một dạng hoạt động đặc thù, vừa mang tính thương mại, vừa mang các yếu tố văn hóa- du lịch. Mặc dù đã hoạt động cả trăm năm nay, chợ nổi vẫn chưa có "giấy khai sinh". Quận đang tiến hành các thủ tục để cuối năm nay chợ nổi Cái Răng có "giấy khai sinh" sau 100 năm hoạt động. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý chợ nổi nề nếp hơn.
Song song đó, UBND quận Cái Răng đang làm đầu mối phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan lập Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đề án đưa ra một số vấn đề nhằm cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng như thiết lập hệ thống phao tiêu phân luồng, tổ chức sắp xếp các ghe tàu neo đậu, điểm dừng chân, nhà hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách... Đặc biệt, trong cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng đảm bảo giữ nguyên hiện trạng tự nhiên, bảo tồn được bản sắc văn hóa của chợ nổi, phù hợp nguyện vọng các tiểu thương buôn bán trên chợ nổi cũng như người dân liên quan khu chợ nổi. Dự kiến, cuối tháng 9 này, quận hoàn chỉnh Đề án, trình UBND thành phố phê duyệt. Nếu phê duyệt kịp trong năm nay, thì năm 2016, quận sẽ triển khai Đề án.
DUYÊN KHÁNH (Lược ghi)
Khách tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI
Đề án "Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng" Phương án bảo tồn "kết hợp giữa nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh" được thống nhất cao (CT)- Đề án "Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng" vừa được báo cáo vào ngày 18-9, tại UBND quận Cái Răng. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu và khảo sát thực tế từ việc lấy ý kiến các du khách, thương hồ, các chuyên gia và các nhà quản lý, đề án đưa ra ba phương án định hướng tôn tạo chợ nổi Cái Răng; trong đó, phương án bảo tồn "kết hợp giữa nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh" được trên 80% ý kiến đồng tình. Với phương án này, chợ nổi phân định rõ: khu vực bảo tồn và khu vực phát triển phục vụ du khách; đồng thời xây dựng các giải pháp cụ thể đảm bảo vệ sinh môi trường, phân luồng an toàn giao thông, chính sách an sinh xã hội, các công trình phụ trợ phục vụ du khách… Dự kiến, kinh phí thực hiện của đề án trên 22 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhấn mạnh: "Đề án sẽ tập trung vào các giải pháp để đảm bảo chợ nổi được duy trì đúng giá trị văn hóa". Trong khi chờ đề án hoàn thiện và được phê duyệt, UBND quận Cái Răng đề ra các giải pháp trước mắt để giải quyết thực trạng xuống cấp chợ nổi: tổ chức đội thu gom rác trên chợ nổi; chấn chỉnh, phân luồng giao thông đường thủy… ÁI LAM |