Lấy ý kiến đóng góp 2 Dự thảo Luật

Ngày đăng: 16-04-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Sáng 15-4-2014, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, chủ trì Hội nghị tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố.

Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được xây dựng theo tinh thần nhất thể hóa Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002. Dự thảo gồm 11 chương, 80 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân; cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao, nhiệm kỳ của Thẩm phán, độ tuổi làm việc của Thẩm phán… Trong đó dự thảo còn quy định những điểm mới như: nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao; Ủy ban Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp cao; quy đinh về Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên; chế độ chính sách đối với Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên… Tại Hội nghị các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về tiêu chuẩn của Thẩm phán, đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Về độ tuổi làm việc của Thẩm phán có đại biểu cho rằng cần theo quy định về đội tuổi lao động chung được quy định tại Bộ luật Lao động để tránh từng ngành nghề lại có quy định riêng về độ tuổi. Trong quy định về việc cách chức Thẩm phán nên bổ sung thêm những việc Thẩm phán không được làm sẽ cụ thể và hợp lý hơn…

 Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn thành phố.

Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) có 7 chương 13 mục, 110 điều. So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, dự thảo đã giảm 4 chương nhưng tăng thêm 60 điều luật (trong đó, sửa đổi 78 điều, bổ sung 32 điều mới, không có điều nào được giữ nguyên). Đa số các đại biểu đều thống nhất với nội dung dự thảo. Dự thảo sẽ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và các pháp lệnh hiện hành, thể hiện đúng vị trí vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước và trách nhiệm đối với xã hội, công dân. Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh quy định vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân nhưng không quy định rõ vị trí như thế nào vậy nên bỏ quy định vị trí của Viện Kiểm sát nhân dân. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thi hành án. Nhiều đại biểu cho rằng không nên quy định nhiệm kỳ của Kiểm sát viên nên xem đó như một chức danh tư pháp, nghề nghiệp suốt đời. Vì khi quy định nhiệm kỳ đến khi bổ nhiệm nhiều Kiểm sát viên ngại va chạm dễ dẫn đến việc không khách quan khi bổ nhiệm lại…

P.N (Báo điện tử Cần Thơ)