Ngày 12-3-2015 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Cần Thơ do ông Trần Thanh Mẫn (Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố) chủ trì, đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Tại Hội nghị về cơ bản đa số ý kiến thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm cụ thể hóa Hiến pháp sửa đổi (năm 2013), cũng như đảm bảo các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được thống nhất áp dụng trong cùng một văn bản luật; đảm bảo các hình thức giám sát được thực hiện đa dạng, giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong thời gian tới tiếp tục mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng ngày càng nhiều hơn sự mong mỏi của cử tri,...
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Luật cần bổ sung các chế tài cụ thể để xử lý các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thẩm quyền trong trường hợp không giải quyết hoặc chậm giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, HĐND; bổ sung thẩm quyền của ĐBQH trong việc thực hiện chất vấn Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, cũng như thẩm quyền của đại biểu HĐND trong việc chất vấn Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND; thẩm quyền giám sát về việc giải quyết kiến nghị cử tri của Tổ đại biểu HĐND; bổ sung quy định trách nhiệm cơ quan thực hiện kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện văn bản pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; quy định thống nhất chung về thời hạn gửi văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền để Quốc hội, HĐND theo dõi, giám sát; quy định đảm bảo phù hợp về thời gian tổ chức Đoàn giám sát tại địa phương nhằm tránh trường hợp cùng thời điểm một địa phương phải tiếp nhiều Đoàn giám sát,...
Kết thúc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận các ý kiến, đề xuất mà các đại biểu đã đóng góp cho Dự thảo Luật và chỉ đạo Văn phòng tổng hợp đầy đủ, kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định./.
Lê Lạc