Sáng 17-4-2014, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, chủ trì Hội nghị tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật thi hành án dân sự (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự nhằm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tiếp tục tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện quy định Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 4/183 điều so với Luật hiện hành. Trong đó dự thảo chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số quy định như: quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm tòa án trong thi hành án dân sự; thủ tục thi hành án dân sự; trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án… Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, tài sản được kê biên theo quy định Luật thi hành án sau khi giảm giá mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm thì không nên trả đơn yêu cầu thi hành án, mà bán được bao nhiêu thì thi hành án cho đương sự bấy nhiêu, sẽ hợp lý hơn. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá nộp đủ tiền nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá là không hợp lý vì trên thực tế rất khó buộc người bị thi hành án giao tài sản khi bản án bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy…
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Dạy nghề (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, ban, ngành thành phố.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề cơ bản giữ nguyên kết cấu, thực hiện sửa đổi, bổ sung 37 điều, bỏ 9 điều (trong đó có 1 chương) trên tổng số 92 điều của Luật Dạy nghề. Dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung như: đổi mới mục tiêu, chương trình dạy nghề; xác định loại hình cơ sở dạy nghề; một số chính sách của nhà nước về dạy nghề... Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nên quy định đào tạo nghề dưới 3 tháng thì cấp giấy chứng nhận cho người học. Ngoài những loại hình cơ sở dạy nghề được quy định tại dự thảo, nên bổ sung thêm các cơ sở dạy nghề được cấp phép. Có đại biểu cho rằng cần quy định việc thành lập cơ sở dạy nghề phải theo quy mô dân số cũng như nhu cầu từng địa phương để tránh tình trạng cơ sở nhiều hơn nhu cầu người học; nên có chính sách cụ thể trong bồi dưỡng trình độ kỹ năng cho giáo viên dạy nghề...
P.N (Báo điện tử Cần Thơ)