Lấy ý kiến đóng góp các dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam

Ngày đăng: 14-10-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

(CT)- Ngày 13-10-2015, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn thành phố.

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 22 chương 341 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan kiểm sát, người tiến hành tố tụng, người thực hiện nhiệm vụ kiểm sát; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu tán thành việc sửa đổi Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn về trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện có thể ủy quyền cho cấp phó, hoặc có thể ủy quyền cho cơ quan tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng. Về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, nhiều đại biểu cho rằng nên quy định Viện kiếm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phù hợp hơn. Thêm vào đó, sự có mặt của kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính là bắt buộc để đảm bảo tính trách nhiệm cũng như vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Nhiều đại biểu cho rằng việc giao thẩm quyền cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện là không phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp. Theo đó, theo đề nghị của TAND cấp huyện và khi xét thấy cần thiết, TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện.

 Chiều cùng ngày, ông Huỳnh Văn Tiếp chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.

Đa số các đại biểu tham dự hội nghị điều tán thành nội dung dự thảo. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng cần gia hạn thêm thời gian tạm giữ tàu biển từ 5 ngày lên 10 ngày đối với các tàu biển đang trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải vì tai nạn hàng hải thường phức tạp nên cần có thời gian lấy lời khai, thu thập chứng cứ dài hơn. Về quy định thời hạn làm thủ tục tàu thuyền đến, rời cảng biển của người làm thủ tục, có đại biểu đề nghị quy định chậm nhất là 4 giờ (dự thảo luật là 2 giờ) kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc dự kiến rời cảng vì trong khoảng 2 giờ khó có thể hoàn tất thủ tục. Có đại biểu cho rằng về giá trị pháp lý của kháng nghị hàng hải cần quy định kháng nghị hàng hải được xác nhận theo quy định tại Bộ luật này có giá trị là căn cứ ban đầu khi giải quyết các tranh chấp liên quan sẽ phù hợp hơn.

P.N