(CT)- TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, là 1 trong 4 tỉnh, thành của "Tứ giác động lực" – vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Với vị trí, vai trò đặc biệt, TP Cần Thơ không chỉ là đô thị trung tâm lớn nhất vùng mà còn đảm nhận vai trò trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa; là "cửa ngõ ra biển Đông của sông Mê Công; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có vai trò đầu tàu, thúc đẩy các địa phương trong vùng cùng phát triển" như Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã nêu ra. Từ định hướng trên, nhiều năm qua, các bộ ngành Trung ương và địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội chung cho cả vùng ĐBSCL.
Nhờ đó, TP Cần Thơ hiện là địa phương có cơ sở hạ tầng khá tốt trong khu vực với sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ tạo sự thông thương trên tuyến quốc lộ 1 - tuyến đường huyết mạch của cả nước. Trên địa bàn TP Cần Thơ còn có Trung tâm Điện lực Ô Môn là một trong những trung tâm điện lực lớn của cả nước với tổng công suất hơn 3.000MW, Trung tâm phân phối khí Ô Môn cung cấp khí đốt cho các ngành công nghiệp và dân dụng. Ngành công nghiệp thành phố đã xây dựng được hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung và sắp tới sẽ hình thành khu công nghệ cao đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc hiện đại hóa nền công nghiệp...
![]() |
Kết cấu hạ tầng của TP Cần Thơ hoàn thiện sẽ tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế -xã hội chung của cả vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Cầu Cần Thơ hoàn thành "kết nối" các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. |
Từng bước tháo gỡ những nút thắt nói trên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, một nguồn lực xã hội mới cần được TP Cần Thơ quan tâm khai thác là chiến lược liên kết vùng. Để tạo tiền đề cho liên kết vùng, trong 5 - 10 năm tới cần thúc đẩy hoàn thiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối khu vực, vùng và TP Cần Thơ một cách đồng bộ theo các quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển ĐBSCL đã được phê duyệt. Để làm được điều này, TP Cần Thơ cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, ngoài việc ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, TP Cần Thơ nên đa dạng hóa các nguồn vốn ngoài ngân sách (BT, BOT, PPP…) để tăng thêm nội lực đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển. Một vấn đề quan trọng khác chuẩn bị cho chiến lược liên kết vùng là hạ tầng hậu cần, kho bãi cần được quan tâm và có chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: Bên cạnh việc đầu tư bằng nguồn lực tại chỗ, TP Cần Thơ cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương khác để huy động vốn đầu tư phát triển phát triển kinh tế hạ tầng. Đơn cử như việc xây dựng trung tâm thương mại một số quận, huyện; phát triển hệ thống chợ đầu mối nông, thủy sản; hệ thống kho bãi; trung tâm phân phối… Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để mở rộng mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp ở các địa bàn thành thị và nông thôn nhằm thúc đẩy sự phát triển thương mại theo hướng nâng dần vai trò trung tâm thương mại cấp vùng. Ngoài ra, TP Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, kỹ thuật đô thị theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố cấp quốc gia; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị…
Bài, ảnh: MỸ THANH