Lựa chọn mô hình nông nghiệp bền vững

Ngày đăng: 22-04-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Ảnh minh họa

Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nhưng TP Cần Thơ vẫn còn một bộ phận lớn người dân có thu nhập chủ yếu dựa vào nghề nông. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi và đất sản xuất bị thu hẹp đặt ra cho thành phố thách thức lớn trước yêu cầu đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển nông nghiệp năm 2016 trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp và thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt dẫn đến chi phí sản xuất đầu vào tăng. Trong khi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn mang tính nông hộ, nhỏ lẻ, liên kết "4 nhà" chưa chặt chẽ, tiêu thụ hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn. Các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo thành phố, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với các sở ngành hữu quan và địa phương, nông nghiệp thành phố chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng khắc phục khó khăn về thời tiết, gắn với xây dựng nông thôn mới và kiểm soát được dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nên bảo đảm lợi nhuận cho người dân khu vực nông thôn.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tham quan mô hình sản xuất hoa kiểng tại một hộ dân ở Làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Đối với cây lúa, thành phố đã thu hoạch dứt điểm hơn 86.728 ha lúa đông xuân 2015-2016 (trong đó có gần 17.000 ha trong các mô hình cánh đồng lớn), năng suất lúa đạt bình quân 7,27 tấn/ha; giảm so cùng kỳ nhưng nhờ giá bán cao hơn vụ đông xuân trước nên đảm bảo lãi trên 30% cho nông dân. Ngành nông nghiệp đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước tưới do hạn hán như: tăng cường công tác thủy lợi, khơi thông dòng chảy các sông rạch, chủ động chuyển các diện tích đất lúa có nguy cơ thiếu nước tưới sang các loại cây trồng tiết kiệm nước… Đến nay, nông dân thành phố xuống giống lúa hè thu 2016 được hơn 74.000 ha, đạt 95% so với kế hoạch; rau màu, đậu các loại hơn 6.270ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ và đã thu hoạch trên 3.710ha. Cây công nghiệp ngắn ngày đã gieo trồng được 7.390 ha, vượt 25,2% so với kế hoạch năm. Thành phố hiện cũng có hơn 14.950 ha diện tích cây ăn trái; đàn gia súc hơn 125.700 con; đàn gia cầm trên 1,7 triệu con và tổng diện tích thả nuôi thủy sản đến thời điểm hiện tại khoảng 2.347 ha (đạt 22,35% so với kế hoạch). Tính đến cuối tháng 3-2016, đã có 12/36 xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn xã nông thôn mới, 20 xã đạt 15-19 chí, 4 xã đạt 13-14 tiêu chí. Đến nay, thành phố có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Phong Điền.

Dù còn chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong GDP của thành phố nhưng nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng trong phát triển của thành phố, nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội cho một bộ phận lớn người dân còn sống dựa vào nghề nông. Theo nhận định của các ngành chức năng thành phố, sản xuất nông nghiệp của thành phố phải tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện đất sản xuất bị thu hẹp và ứng phó với các yếu tố bất lợi so với trước đây. Điều này đòi hỏi các bên liên quan cần vào cuộc với quyết tâm cao.

Nâng cao giá trị sản xuất

Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có thể tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có (đất đai, kênh mương, ao hồ và các nguồn phụ phẩm trong sản xuất lúa như: rơm, rạ…) nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập. Trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thành phố cần phải xem xét bố trí cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp tình hình mới. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa khọc vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Phối hợp tốt hơn giữa khâu sản xuất và tiêu thụ để ổn định giá cả đầu ra sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, muốn ổn định đầu ra sản phẩm nông sản, cần tập trung quản lý theo chuỗi ngành hàng, liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan và giám sát chặt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Sản xuất nông nghiệp tại thành phố phải hướng mạnh đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị giúp mang giá trị cao như: sản xuất cây, con giống, hoa kiểng, sinh vật cảnh… Ông Nguyễn Minh Toại cho biết: "Tới đây, Sở Công thương sẽ tích cực phối hợp cùng Sở NN&PTNT thành phố và các địa phương trong hỗ trợ nông dân kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Nông dân cần tích cực liên kết với nhau trong sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và mô hình sản xuất tập trung… để tạo thuận lợi kết nối với doanh nghiệp trong hình thành các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm". Trưởng ban Dân vận TP Cần Thơ Trần Thanh Cần cũng cho rằng, thành phố cần phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện chính quyền và người dân tại không ít địa phương, nhất là ở cấp phường, xã vẫn chưa hiểu rõ về phát triển nông nghiệp đô thị. Do vậy, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong việc hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Trong điều kiện sản xuất có nhiều bất lợi, huyện đã quan tâm chuyển dịch các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái và cải tạo các diện tích vườn tạp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Công tác thủy lợi đang phát huy tốt hiệu quả. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương, huyện rất mong thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện về: ổn định đầu ra sản phẩm nông sản, ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhất là phòng trừ ruồi đục quả trên cây ăn trái; trợ giá giống cho nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi". Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu tập trung ở 3 phường vùng ven, gồm: Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông. Thời gian qua, quận rất quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị giúp nâng cao thu nhập của nông dân trên cùng một diện tích. Thực tế nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã đạt hiệu quả khá cao, như: mô hình trồng hoa kiểng, rau màu, nuôi bò sữa… Để đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả này, nông dân còn gặp khó về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu ra sản phẩm, nên cần được các cấp thẩm quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết: Nếu tính cả người dân tại các phường còn sản xuất nông nghiệp thì thành phố hiện còn khoảng 40% dân số sống dựa vào nghề nông. Trong điều kiện công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp sẽ còn giảm, ngành nông nghiệp và các bên có liên quan cần phối hợp chặt trong việc hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tổ chức tốt việc tiêu thụ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, phải hướng vào sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng và vật nuôi.