Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 9, ngày 31-4-2015, Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì.
Ông Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng trong bối cảnh xung đột chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích kinh tế biển giữa các quốc gia có biển ngày càng gay gắt thì sự ra đời của Luật là hết sức cần thiết, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước. Dự án Luật đã thể chế hóa các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; là cơ sở để quản lý tài nguyên biển và hải đảo được đầy đủ và thống nhất; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo giữa các ngành, các cấp.
Các ý kiến thể hiện sự đồng tình với các nội dung quy định trong Dự thảo, tuy nhiên, để Dự thảo được hoàn chỉnh hơn, đề nghị bổ sung một số nội dung như: Phạm vi điều chỉnh bao gồm cả bãi đá ngầm, bãi san hô; bổ sung quy định về hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển và hải đảo; quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy định các biện pháp chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm; bên cạnh đó cũng đề nghị quy định rõ lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về tài nguyên, môi trường biển; rà soát, quy định thống nhất với các luật khác có liên quan.
Một số ý kiến cho rằng công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý hầu hết mọi hoạt động là chưa phù hợp, vì vấn đề quản lý biển và hải đảo gồm nhiều lĩnh vực nên cần phải có cơ chế quản lý liên ngành; Dự thảo có nhiều điều khoản quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể là chưa phù hợp, vì sẽ có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành nên việc triển khai thực hiện sẽ chậm; đồng thời, cho rằng quy định tổ chức, cá nhân… thực hiện nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam nhưng gây thiệt hại cho môi trường, sinh thái và kinh tế - xã hội trong vùng biển, hải đảo Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả toàn bộ chi phí… sẽ không mang tính khả thi, vì đối với trường hợp phải mất thời gian rất lâu thì rác thải do hoạt động nhận chìm mới gây ô nhiễm hoặc phát hiện được thì việc quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân là rất khó.
Có ý kiến nhận định: Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thống kê tài nguyên biển và hải đảo là hoạt động rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nên đề nghị bổ sung quy định cơ quan, đơn vị thẩm định các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án điều tra cơ bản về biển và hải đảo của các Bộ, ngành và địa phương trước khi phê duyệt, để chất lượng của các hoạt động nêu trên được đảm bảo, từ đó việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội được chính xác, hiệu quả hơn.
Kết thúc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn thay mặt Đoàn ĐBQH ghi nhận các ý kiến xác đáng mà các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp. Đồng thời giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tổng hợp, kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định.
Trần Thanh Bình