Một số quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

Ngày đăng: 02-05-2019 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa
Một buổi khảo sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Cần Thơ
về việc thực hiện chế độ chính sách đối với những người hoạt động
không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn, ấp, khu vực

Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2019, với một số nội dung mới đáng chú ý sau:

1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 25/6/2019

Theo Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP đã sửa đổi Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, thì kể từ ngày 25/6/2019, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo quy định hiện hành thì những người này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).

2. Tăng phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ cấp xã kể từ ngày 25/6/2019

Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, từ ngày 25/6/2019, cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương bậc 1 (quy định hiện hành là hưởng 20% lương) cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm.

Lưu ý:

- Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.

- Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

- Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về xếp lương

Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi Điểm c Khoản 1 và bổ sung Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, việc xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã được quy định như sau:

- Đối với cán bộ cấp xã đang hưởng chế độ hưu trí, hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động được hưởng khoản phụ cấp 100% mức lương bậc 1 (hiện hành là hưởng 90% lương) của chức danh đảm nhiệm. Sau thời gian đủ 5 năm nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã đã được xếp lương theo chức vụ hoặc xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính quy định tại Điểm a, b Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, nếu sau đó có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức danh đảm nhiệm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về quản lý hoặc sử dụng cán bộ, công chức đồng ý cho đi đào tạo thì kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp được xếp lương theo trình độ đào tạo.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã đã đi học mà không được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học, có bằng cấp đào tạo phù hợp với chức danh đảm nhiệm thì được xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày Nghị định 92/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

4. Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn

Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định như sau:

- Loại 1: Tối đa 23 người (hiện hành là 25 người, giảm 2 người);

- Loại 2: tối đa 21 người (hiện hành là 23 người, giảm 2 người);

- Loại 3: tối đa 19 người (hiện hành là 21 người, giảm 2 người).

Lưu ý:

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn số lượng theo quy định trên, bảo đảm đúng với chức danh quy định tại Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với các xã, thị trấn bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức theo quy định trên giảm 01 người.

- Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định trên bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Riêng trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thực hiện theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.

5. Giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khoán quỹ phụ cấp

Theo Khoản 4 Điều 2 Nghi định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 13 Nghị định 92/2009/NĐ-CP, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định như sau:

- Loại 1 tối đa 14 người (hiện hành là 22 người, giảm 8 người);

- Loại 2 tối đa 12 người (hiện hành là 20 người, giảm 8 người);

- Loại 3 tối đa 10 người (hiện hành là 19 người, giảm 9 người).

Đồng thời, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn như sau: Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16 lần mức lương cơ sở; loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở; loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.

6. Bổ sung quy định về người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Cụ thể, Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP đã bổ sung thêm Điều 14a quy định về người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố vào sau Điều 14 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

Theo đó, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.

Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác.

7. Những vấn đề giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định

- Theo Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể những nội dung sau: Quy định chức danh và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định tại Điều 13 Nghị định này. Quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Theo Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.

                                                                                      Quách Trọng Thiện