Ngày làm việc thứ 19, thảo luận Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh

Ngày đăng: 13-11-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Ngày 11-11-2014, buổi sáng Quốc hội nghe  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này, đã có 16 ĐBQH phát biểu. Nhìn chung, tất cả các ý kiến đều tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, đồng thời có bổ sung thêm nhiều ý kiến rất cụ thể vào các điều khoản trong dự thảo luật, các đại biểu đề nghị việc ban hành luật này phải tạo ra một sự đột phá về thể chế để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, phải có một sự đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến pháp, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn, tránh thất thoát, để sử dụng vốn của nhà nước hiệu quả hơn; về tên gọi của luật, có ý kiến đề nghị nên lấy tên "Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp"; cần giải thích rõ ràng hơn về "vốn Nhà nước"; cần quy định rõ vốn Nhà nước phải đầu tư vào những doanh nghiệp được gọi là xương sống của nền kinh tế, chứ không nói chung chung, quy định không rõ ràng, tránh hiểu sai về phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước; về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, phạm vi đầu tư bổ sung vốn của Nhà nước phải quy định chặt chẽ và không nên mở rộng, các hành vi cấm cũng nên bổ sung hành vi lợi dụng chức, quyền gây thiệt hại tới doanh nghiệp, cần phân biệt giữa quản lý và quản trị doanh nghiệp; về tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp phải đảm bảo không mâu thuẫn với Bộ Luật lao động, việc sử dụng cổ tức của doanh nghiệp sau thuế phải đúng với bản chất của lợi nhuận còn lại và không nên "cào bằng", tức là quy định phân loại những loại nào thu bao nhiêu, loại nào để lại hết cho doanh nghiệp; cần xác định rõ mô hình quản lý vốn của nhà nước trong tương lai. Thay mặt Đoàn Chủ tọa Kỳ họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH và báo cáo cho Quốc hội xem xét trước khi biểu quyết thông qua.

 Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Góp ý vào Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, đa số ĐBQH tán thành Đề án do Chính phủ trình; đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đề nghị nên nghiên cứu, đổi mới theo hướng hiện đại, gắn kết với việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỷ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết chặt chẽ giữa việc dạy chữ với việc dạy người, dạy kỹ năng mềm cho học sinh, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện.

Góp ý vào dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật này, nhiều ĐBQH đề nghị nên quy định chặt chẽ hơn về quy trình soạn thảo, ban hành, bảo đảm chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) không tán thành việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện và cấp xã, tán thành bỏ hình thức văn bản “Thông tư liên tịch”, đồng băn khoăn về việc ban hành thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương không kịp thời; đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị nên giữ tên gọi là “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, cho rõ nghĩa hơn./.

 

Trần Văn Đạt