Ngày 12-11-2014, buổi sáng Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật an, toàn, vệ sinh lao động và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Tham gia thảo luận đã có 22 vị ĐBQH phát biểu ý kiến, đa số ý kiến đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi luật, để tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò to lớn của MTTQVN trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, phát huy dân chủ và vai trò truyền thống đại đoàn kết toàn dân của MTTQVN. Các vị ĐBQH đã góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể của dự thảo luật, đa số ý kiến tán thành phải có Lời nói đầu trong luật này, để khẳng định vị trí, vai trò của MTTQVN; một số ý kiến đề nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Mặt trận các cấp, các tổ chức Mặt trận, quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận trong giám sát, phản biện đối với nhà nước, tham gia xây dựng nhà nước, tham gia xây dựng Đảng; về Ban công tác Mặt trận ở cơ sở, đa số ý kiến đề nghị nên quy định trong Luật này; về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật, có đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn phạm vi giám sát, phản biện để làm rõ giá trị pháp lý, hiệu quả của giám sát Mặt trận, phân biệt giám sát, phản biện của Mặt trận với giám sát của cơ quan quyền lực, cơ quan đại diện của dân. Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), đề nghị nên làm rõ trách nhiệm tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp dân cư, giai cấp trong xã hội và đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, làm rõ tính đại diện MTTQVN, để tránh chồng lấn với các tổ chức thành viên của Mặt trận; nên cụ thể hóa về giám sát và phản biện xã hội theo nội dung, đối tượng và chủ thể tổ chức thực hiện, cách thức thực hiện và hiệu lực pháp lý của hoạt động giám sát, phản biện xã hội một cách cụ thể hơn; Mặt trận phải làm tốt công tác đối ngoại nhân dân; cần làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội về phạm vi đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục, đặc biệt là giá trị pháp lý của hoạt động này đối với các giám sát và phản biện xã hội, quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm giải quyết, trả lời các kiến nghị, phản ánh của Mặt trận thông qua kết quả giám sát, phản biện; quy định rõ chế định về thanh tra nhân dân vào Luật này. Thay mặt Đoàn Chủ tọa Kỳ họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH và báo cáo cho QH xem xét trước khi biểu quyết thông qua.
Chiều cùng ngày, QH tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Góp ý vào dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi luật, để phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đồng thời tán thành với quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ, về độ tuổi gọi nhập ngũ, về nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự, về tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất cụ thể vào những vấn đề theo gợi ý của Đoàn thư ký Kỳ họp và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị nên bổ sung, quy định rõ “công dân trong độ tuổi theo quy định phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân”, nghiên cứu, quy định những thanh niên không đủ điều kiện gọi nhập ngũ phải thực hiện nghĩa vụ khác để thay thế theo quy định của pháp luật, bổ sung, quy định cụ thể hơn về biện pháp chế tài xử lý nghiêm những hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, quy định thống nhất một Hội đồng nghĩa vụ quân sự ở địa phương để tuyển chọn công dân gọi nhập ngũ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị nên có quy định để thu hút, khuyến khích công dân có trình độ cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự; đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), còn băn khoăn và cho rằng dự thảo luật quy định chưa chặt chẽ về khám sức khỏe để sàng lọc, bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ, vì rất khó xác định được các bệnh như viêm gan siêu vi B, nghiện ma túy hay nhiễm HIV,… do chi phí lớn nên nhiều địa phương không có điều kiện thực hiện.
Góp ý vào dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật này, nhiều ĐBQH đề nghị nên quy định rõ về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương; bổ sung quy định chế tài xử lý trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động để xảy ra tai nạn lao động gây chết người; nhiều ý kiến tán thành quy định thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh./.
Trần Văn Đạt