Ngày làm việc thứ 21, Quốc hội thảo luận 3 dự án Luật

Ngày đăng: 14-11-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Ngày 13-11-2014, Quốc hội thảo luận ở tổ. Buổi sáng thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi). Buổi chiều thảo luận về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự án Luật Thú y.

Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ tham gia thảo luận ở Tổ số 6, cùng với Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hưng Yên.

Góp ý vào dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi luật, để phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên, cần có thêm thời gian để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, để luật khi được ban hành đảm bảo chặt chẽ, sát với thực tiễn cuộc sống. Các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; về tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự; về pháp nhân và phân loại pháp nhân; về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu; về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; về hình thức sở hữu; về việc sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý dân sự” thay cho thuật ngữ “giao dịch dân sự”. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), tán thành quy định ba hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung (phương án 1), tán thành việc bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện vụ việc dân sự; đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), đề nghị nên quy định cụ thể hơn về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.

Góp ý vào dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật này, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các đại biểu đã góp ý cụ thể vào phạm vi điều chỉnh; về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; về bảo vệ môi trường biển và hải đảo; về trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn, Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng nhiều quy định của dự thảo còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế, đề nghị cần nghiên cứu, quy định đầy đủ, rõ ràng hơn, cần bổ sung quy định các giải pháp, biện pháp để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản làm hủy hoại môi trường biển.

Góp ý vào dự án Luật Thú y, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật này, để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, góp phần bảo vệ và phát triển nền sản xuất nông nghiệp trong nước, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; về hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y; về thẩm quyền công bố dich bệnh động vật trên cạn; về kiểm soát giết mổ động vật; về sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; về kiểm tra vệ sinh thú ý; về quản lý thuốc thú y. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị nên quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp tỉnh trong việc công bố dịch bệnh trên động vật, quản lý và kiểm soát chặt chẽ vùng ổ dịch, kiên quyết trong việc xử lý tiêu hủy bắt buộc; quy định chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có động vật bị tiêu hủy; quy định chặt chẽ về điều kiện tổ chức giết mổ động vật; quy định quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng thuốc thú y./.

Trần Văn Đạt