NHIỀU GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ

Ngày đăng: 17-06-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

(CT)- TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vừa có tác dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân, vừa tạo nét đẹp đặc trưng của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng biến đổi khí hậu... làm bờ sông bị sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Giải pháp khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống cho người dân ven sông, rạch đang được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện.

* NGUY CƠ SẠT LỞ

Theo Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, những năm qua, thành phố xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại các quận, huyện như: Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Thốt Nốt, Thới Lai, làm sụp xuống sông nhà cửa và hàng trăm mét đường giao thông nông thôn... Nhiều điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở thời gian tới.

Người dân ở quận Cái Răng vẫn nhớ vụ sạt lở bờ sông ở khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình ngày 26-5-2015, gây hậu quả nặng nề, làm đoạn đường Võ Tánh đang nâng cấp bị sạt lở xuống sông Cần Thơ và lôi theo 3 căn nhà tạm của người dân, gây gián đoạn giao thông tại khu vực. Chính quyền địa phương và đơn vị nâng cấp đường phải khẩn trưởng xây dựng đường tạm cho bà con đi lại. Vụ sạt lở gây thiệt hại trên 570 triệu đồng, rất may, không thiệt hại về người. Ông Thái Quang Tuấn, nhà bị sạt lở xuống sông Cần Thơ, cho biết: "Sáng ra, thấy vết nứt đường giao thông xuất hiện, tôi đã cảnh giác. Lát sau, thấy đất rung chuyển, tôi chạy ra ngoài và kêu những nhà cạnh bên chạy xa nên thoát được nguy hiểm. Từ vụ sạt lở này, gia đình tôi không dám xây dựng công trình, nhà ở cặp mé sông nữa, vì rất nguy hiểm tính mạng". Ngay sau vụ sạt lở, lãnh đạo TP Cần Thơ, quận Cái Răng có mặt tại hiện trường huy động lực lượng, chỉ đạo cứu hộ, vớt tài sản của người dân bị sạt lở. Quận Cái Răng hỗ trợ 2 gia đình có nhà bị sạt lở mỗi hộ 5 triệu đồng và một quán giải khát 2 triệu đồng; tổ chức di dời tài sản các hộ dân ở khu vực sạt lở đến nơi ở an toàn...

 

 Vụ sạt lở tại khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng vào 26-5-2015 đã cuốn trôi đoạn đường Võ Tánh và 3 căn nhà tạm của người dân địa phương.

Vụ sạt lở xảy ra vào chiều 22-1-2015, tại tuyến đường giao thông cặp mé sông Kênh Thạnh Đông (khu vực Phú Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) cũng cắt đứt hoàn toàn tuyến đường với chiều dài gần 50m, gây gián đoạn giao thông khu vực. Rất may, vụ sạt lở không ảnh hưởng đến tài sản, nhà cửa và tính mạng người dân. Ông Huỳnh Văn A cho biết: "2 ngày sau, đoạn đường sạt lở tạm thời được khắc phục. Chính quyền địa phương tạo lối đi tạm cho người dân trên phần đất của tôi. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận thuê đơn vị thi công đóng cừ tràm, dừa để khắc phục hậu quả, hạn chế sạt lở tại khu vực này".

Thời gian qua, cặp sông Cần Thơ (qua địa bàn quận Cái Răng, huyện Phong Điền) xảy ra nhiều vụ sạt lở, để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy ngành chức năng TP Cần Thơ và các địa phương có nhiều cố gắng trong việc khắc phục, xây dựng tường kè, di dời các hộ dân ra khỏi các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở nhưng dọc 2 bờ sông Cần Thơ còn nhiều hộ dân sinh sống, buôn bán và nguy cơ sạt lở đang rình rập....

* ỨNG PHÓ SẠT LỞ

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, việc giải tỏa nhà ven kênh rạch, khắc phục tình trạng sạt lở chủ yếu dựa vào các dự án. Thời gian qua, nhiều dự án được thực hiện như: xây dựng bờ kè Xóm Chài; bờ kè rạch Khai Luông; công viên Hồ Xáng Thổi; sông Hậu..., góp phần giảm số lượng nhà xây dựng trên sông, rạch. Gần đây nhất, các dự án như: xây dựng bờ kè sông Cần Thơ, xây dựng công viên Tham Tướng thuộc Dự án Nâng cấp Đô thị TP Cần Thơ, bờ kè rạch Ngỗng (nằm trên sông Cái Khế, thuộc các phường An Nghiệp, An Hòa), bờ kè sông Ô Môn, Thốt Nốt... cũng góp phần hạn chế tình trạng nhà xây dựng dọc theo sông, ngăn chặn tình trạng sạt lở, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

Các dự án trên nằm trong khuôn khổ Đồ án "Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ" được UBND TP Cần Thơ phê duyệt và tập trung thực hiện từ năm 2010, với các giải pháp chủ yếu như: củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định, đồng thời chỉnh trang đô thị thực hiện liên tục từ nay đến năm 2025 và xa hơn nữa; phấn đấu đến năm 2030 khoảng 80% và đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh cho sông, kênh, rạch và hạn chế sạt lở.

Đồ án gồm 29 công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở trong giai đoạn 2010-2030 trên sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ. Tổng chiều dài của các công trình này trên 56km, với tổng kinh phí dự toán thực hiện trên 2.030 tỉ đồng. Trong đó, các công trình ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đầu, từ năm 2010-2015 là các công trình, dự án nêu trên với kinh phí thực hiện trên 890 tỉ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2025 gồm 12 công trình, kinh phí đầu 1.104 tỉ đồng. Giai đoạn 3 từ 2025 đến 2030 là 2 công trình, kinh phí thực hiện 206 tỉ đồng. Các công trình này có khả năng chống sạt lở rất cao, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch và tạo mỹ quan đô thị.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dòng chảy trên sông thay đổi, mùa nước thì nước dâng cao, mùa khô nước rút cạn làm giảm độ kết dính của đất nên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. TP Cần Thơ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng sạt lở bờ sông. Đồ án "Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ" là giải pháp hữu hiệu nhất cho việc bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị, đặc biệt góp phần ứng phó biến đổi khí hậu thời gian tới".

Tại Hội nghị Tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, chỉ đạo: "Các sở, ngành liên quan, các địa phương thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ đơn vị thi công các công trình chống sạt lở, tạo mỹ quan đô thị ở ven sông, rạch để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hạn chế sạt lở bờ sông; kịp thời gia cố đê bao, đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở... Bên cạnh đó, thành phố sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, bổ sung nguồn vốn thực hiện các công trình, dự án phòng chống sạt lở các sông, rạch".

Bài, ảnh: HÀ VĂN