NỖ LỰC ĐỂ XỨNG TẦM LÀ THÀNH PHỐ TRUNG TÂM VÙNG ĐBSCL

Ngày đăng: 16-05-2016 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, TP Cần Thơ xếp hạng 14 (tăng 1 hạng so với năm 2014). Làm gì để TP Cần Thơ nâng cao PCI và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) trong năm 2016 và những năm tiếp theo? Đây là những vấn đề được lãnh đạo TP Cần Thơ quan tâm và đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều giải pháp để TP Cần Thơ xứng tầm là thành phố động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL.

* Nỗ lực tăng CPI và PAPI

Theo kết quả công bố xếp hạng PCI năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, TP Cần Thơ xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 1 bậc so với năm 2014 với số điểm tổng hợp là 59,81; đứng thứ 5 trong vùng ĐBSCL và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá. Theo đó, TP Cần Thơ có 6/10 chỉ số thành phần được cải thiện so với năm 2014, gồm: chi phí không chính thức tăng 0,48 điểm; chi phí thời gian tăng 0,41 điểm; tiếp cận đất đai tăng 0,35 điểm; tính năng động tăng 0,29 điểm; thiết chế pháp lý tăng 0,24 điểm; tính minh bạch tăng 0,02 điểm. Tuy nhiên, thành phố giảm điểm ở 4 chỉ số thành phần, gồm: gia nhập thị trường giảm 0,66 điểm; đào tạo lao động giảm 0,28 điểm; cạnh tranh bình đẳng giảm 0,27 điểm và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,22 điểm. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: "Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao tính năng động, tiên phong của lãnh đạo, chính quyền thành phố. Điểm nổi bật nhất trong năm 2015 là thời gian đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế được ghi nhận rõ nét. Thời gian thanh tra, kiểm tra thuế đã giảm bình quân từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ cho một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua".

TP Cần Thơ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả Sở Công thương TP Cần Thơ.

Nhằm góp phần thực hiện nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố duy trì và nâng cao thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc cho tổ chức, công dân. Qua đó niêm yết công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, quy trình, hồ sơ, thời gian giải quyết, phí, lệ phí,… để người dân và doanh nghiệp biết, theo dõi và thực hiện giám sát. Đến nay, toàn thành phố có 19/19 sở, ban, ngành, 9/9 quận, huyện, 85/85 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện mô hình một cửa liên thông hiện đại. 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân.

Về chỉ số PAPI, năm 2015 TP Cần Thơ xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 39,35 điểm. Đây là năm đầu tiên TP Cần Thơ nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm số cao nhất về chỉ số này. Điểm số 6 chỉ số nội dung của PAPI năm 2015 cho thấy, TP Cần Thơ có 6/6 nội dung đều tăng điểm. Trục nội dung cải thiện lớn nhất so với năm 2014 là kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 1,29 điểm và 37 bậc (đạt 7,22 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh thành phố). Tuy nhiên, thành phố vẫn còn gặp những hạn chế nhất định, như: việc triển khai thực hiện chương trình hành động ở một số cơ quan vẫn chưa kịp thời, thể hiện ở việc chậm ban hành kế hoạch triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo còn chậm so với quy định, một số nhiệm vụ trong chương trình hành động vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trong quá trình điều hành, TP Cần Thơ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Công tác quy hoạch phát triển làm định hướng thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tính dự báo dài hạn, tính liên kết vùng; một số thủ tục hành chính chưa hướng dẫn cụ thể trình tự. Tỷ lệ thực hiện giao dịch điện tử còn thấp; công tác xúc tiến đầu tư còn chậm,..

Theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố, vị trí thứ hạng của thành phố trong những năm qua vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu do thành phố còn ưu ái cho các tổng công ty, các tập đoàn Nhà nước; dành nhiều ưu tiên, đãi ngộ hơn để thu hút đầu tư nước ngoài… chưa chú trọng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, thành phố chưa có cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp do tư nhân cung cấp. Việc thanh tra, kiểm tra đang là áp lực cho doanh nghiệp. Bởi trung bình trong năm, doanh nghiệp phải tiếp đón từ 2 - 3 đoàn thanh tra, kiểm tra (nhất là trong các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, kiểm toán, thuế, đất đai,…). Ở cấp sở, ngành thành phố và cấp quận, huyện còn thiếu những lãnh đạo tiên phong, năng động,…

*Cải thiện để tạo "đòn bẩy"

Đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, TP Cần Thơ triển khai thực hiện Chủ đề năm 2016 "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế"; xây dựng và thực hiện có hiệu quả đề án "Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020"; triển khai tuyên truyền hỗ trợ kịp thời các chính sách thuế mới; phát huy mô hình một cửa liên thông, kiện toàn qui chế phối hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục liên quan lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng; cải cách căn bản toàn diện phương thức xúc tiến đầu tư gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lợi thế của thành phố… Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Ban Pháp chế VCCI, cho rằng: "TP Cần Thơ cần nỗ lực nhiều hơn của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ lãnh đạo đến công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt cần quan tâm và tiếp cận sâu sát hơn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước cần thực hiện nghiêm túc, tránh kéo dài, trùng lắp giữa các đơn vị chức năng. Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế đến cộng đồng doanh nghiệp…".

Để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. Tìm các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn về lĩnh vực đất đai cho doanh nghiệp trong việc giao đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, nâng cao chất lượng và công khai minh bạch tiêu chí tiếp cận đất đai. Tính đến cuối tháng 3-2016 có 6.064/6.265 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ đăng ký nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại, đạt 97% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (90%). Cùng đó, ngành thuế cũng tăng cường tuyên truyền các chính sách, pháp luật thuế cho người nộp thuế. Duy trì và nâng cao chất lượng hội nghị đối thoại với người nộp thuế để hạn chế thấp nhất các sai phạm và giải đáp, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người nộp thuế.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) kiêm Tổng thư ký CBA, cho rằng: "Để các doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả, tiếp cận tốt với hội nhập thành phố cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nhỏ cho từng ngành nghề, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp cách thức kinh doanh phù hợp trong xu thế mới, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố cần cụ thể, đổi mới, mở rộng hơn cho các đối tượng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ".

Bài, ảnh: Khánh Nam

 

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Để việc thực hiện chủ đề của năm 2016 là "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế" đạt hiệu quả, thành phố thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: Đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính, thường xuyên và liên tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo sự thông thoáng để thu hút đầu tư vào thành phố. Đề nghị các đơn vị, như: VCCI Cần Thơ, CBA và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tiếp tục hỗ trợ, tham mưu cho thành phố. Đồng thời, cần mạnh dạn kiến nghị, đề xuất cũng như trình bày các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đến lãnh đạo thành phố để thành phố có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.