Chiều ngày 28/10/2013 Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tiếp công dân.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) đóng góp một số ý kiến như sau: “Trước tiên tôi đánh giá cao việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sau kỳ họp thứ 5.
Dự thảo luật lần này khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Thực tế việc tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân vừa qua, cho thấy nhiều bức xúc của công dân được cán bộ tiếp công dân ghi nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật. Quyền lợi của người dân được khôi phục, niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số công dân lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị để thực hiện xuyên tạc, vu khống cán bộ cũng như tổ chức, cơ quan hoặc xúc phạm người, đơn vị tiếp công dân và gây mất trật tự công cộng. Đây là vấn đề cần được Dự thảo luật xem xét bổ sung.
Đối với trách nhiệm của cán bộ và tổ chức tiếp công dân của từng cơ quan, đơn vị bên cạnh việc thực hiện tốt các quy định về tiếp công dân như đã nêu trên, vẫn còn tình trạng một số nơi có thái độ gay gắt, phiền hà, thiếu tôn trọng và sách nhiễu đối với người dân khi đến liên hệ, trình bày khiếu nại, tố cáo; một số nơi còn không trung thực trong tham mưu, đề xuất giải quyết, dẫn đến giải quyết oan sai gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Đây là vấn đề cần được Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền khi trực tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo hoặc được các cơ quan của Quốc hội chuyển đến để giải quyết theo quy định.
Thứ hai, thời gian qua việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được quan tâm thực hiện. Nhưng nhìn chung cử tri, nhân dân cho rằng việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, vẫn còn một số đại biểu Quốc hội chưa thực hiện tốt nhiệm vụ. Từ đó chưa ghi nhận được ý kiến, kiến nghị khiếu nại, tố cáo của công dân để kịp thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân khi bị xâm phạm hoặc có thực hiện kế hoạch tiếp công dân, cũng như thực hiện giám sát phát hiện các cơ quan chuyên môn, các cấp, chính quyền thực hiện sai pháp luật nhưng khi kiến nghị các cơ quan này chậm khắc phục, sửa đổi hoặc trả lời lòng vòng, tránh né. Từ đó gây mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, cũng như đối với đại biểu Quốc hội. Đây là vấn đề đã tồn tại lâu dài trong thời gian qua. Đề nghị luật lần này cần bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về tiếp công dân. Trách nhiệm của cá nhân và thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có đơn, thư của người dân hoặc kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến.
Thứ ba, để thực hiện tốt Luật Tiếp công dân sắp ban hành, đề nghị cần xây dựng hệ thống dữ liệu về hoạt động tiếp công dân từ trụ sở tiếp công dân ở Trung ương đến cấp huyện nhằm giúp cho việc theo dõi quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được minh bạch, dễ quản lý, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó giúp cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài như thời gian qua”./.
Lê Lạc (lược ghi)