Ngày làm việc thứ 15, Quốc hội thảo luận 3 dự án Luật

Ngày đăng: 06-11-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Sáng ngày 05-11-2014, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Tham gia thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, có 20 vị ĐBQH phát biểu ý kiến. Nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH về các nội dung của dự thảo Luật, thống nhất đổi tên luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhằm bảo đảm thống nhất với Hiến pháp và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, các vị ĐBQH đã đóng góp nhiều nội dung cụ thể vào các vấn đề mà Đoàn thư ký Kỳ họp đã gợi ý và các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm, cần làm rõ, như: Cần sắp xếp lại các trình độ đào tạo hợp nhất, các trình độ giáo dục nghề nghiệp gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề, đề nghị cân nhắc để tránh chồng chéo, bảo đảm tính khả thi trong quá trình chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở lĩnh vực này; về kỹ thuật văn bản và yêu cầu bảo đảm tính khả thi của luật, nhiều ĐBQH đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm dự thảo luật và cân nhắc thêm về thời gian xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 8. Thay mặt Đoàn Chủ tọa Kỳ họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp của các vị ĐBQH, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, để trình QH xem xét, quyết định.

Chiều cùng ngày, Quốc hội chia thành các tổ để thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); dự án Luật Bầu cử ĐBQH và  đại biểu HĐND. Thảo luận tại Tổ 6 (gồm các Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hưng Yên), đa số ĐBQH đếu tán thành sự cần thiết ban hành hai dự án luật này.

Góp ý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành dự thảo Luật, tán thành với quy định về chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị nên quy định rõ về thẩm quyền của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, nhất là việc tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách này; đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong việc chăm lo cho người nghèo, tham gia bảo đảm an sinh xã hội.

Góp ý dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị nên quy định người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND phải có độ tuổi tối thiểu là 25 tuổi và tối đa là 70 tuổi, quy định người ứng cử phải có thời gian công tác thực tế tại các cơ quan, tổ chức, đồng thời nên tạo cơ chế để đại biểu chuyên trách tái cử các nhiệm kỳ tiếp theo, nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử;  đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) đề nghị nên quy định ưu tiên xem xét kết quả trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cho phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người có trình độ chuyên môn cao và người trẻ tuổi trong trường hợp có tỷ lệ số phiếu bầu bằng nhau, nhằm đảm bảo bình đẳng giới, đảm bảo cơ cấu thành phần dân tộc, trẻ hóa các cơ quan dân cử, đồng thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và HĐND các cấp; đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nằng), đề nghị cần quy định rõ cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc giới thiệu người của Trung ương về ứng cử ĐBQH ở địa phương, cần quy định rõ hành vi cấm người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND sử dụng vật chất để vận động, lôi kéo cử tri; đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), đề nghị nên mở rộng các hình thức vận động bầu cử ngoài những hành vi cấm, quy định cơ chế tạo điều kiện để khuyến khích, thu hút người có hiểu biết, có trình độ chuyên môn cao tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, góp phần mở rộng dân chủ và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri./.

Trần Văn Đạt