Buổi sáng: Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Minh Phương cho rằng Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 6, đã khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT được tốt hơn, tránh tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên như hiện nay. Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật, đề nghị nên bổ sung cụm từ “nhưng chưa được ngân sách Nhà nước mua BHYT ở các đối tượng khác” vào cuối Điểm m Khoản 3 Điều 12 của Dự thảo, tránh việc trùng BHYT; việc khám chữa bệnh trái tuyến chỉ thanh toán đối với trường hợp nội trú theo tỷ lệ đồng chi trả tương ứng; đối tượng hộ nghèo và cận nghèo nên được Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí mua BHYT.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Nội dung thảo luận tập trung vào chức năng, nhiệm vụ của TAND, trong đó có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp, về tổ chức TAND cấp sơ thẩm, nguyên tắt tổ chức và hoạt động của TAND, quản lý TAND, nhiệm vụ phát triển án lệ của TAND tối cao, hiệu lực quyết định giám đốc th ẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và tổ chức xét xử của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cơ cấu tổ chức của TAND sơ thẩm, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án Quân sự, về ngạch Thẩm phán, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán quốc gia, nhiệm kỳ của Thẩm phán, tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán, về quản lý Hội thẩm nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay VKSND khu vực, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm sát, về tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều tra VKSND, về ngạch Kiểm sát viên, tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao và Hội đồng xét tuyển, thi tuyển các ngạch Kiểm sát viên khác, tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên, nhiệm kỳ của Kiểm sát viên.
Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Văn Tiếp cơ bản thống nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND, nhưng còn băn khoăn về nhiệm vụ “tham gia ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật,…” và “kiến nghị QH, UBTVQH bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trái với Hiến pháp,…” (Điều 2), đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc, làm rõ thêm; về tổ chức TAND, đề nghị cần quy định cụ thể việc thành lập TAND cấp cao theo địa hạt tư pháp, chưa tán thành việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực; về ngạch Thẩm phán nên chọn phương án 2; cần cân nhắc thêm về nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND cấp tỉnh, huyện; Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán nên giữ như Luật hiện hành; tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán nên thực hiện theo Bộ luật Lao động.
Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Kha cho rằng Điều 2 của Dự thảo Luật chưa phù hợp với Điều 107 của Hiến pháp, dẫn đến chồng chéo với hoạt động điều tra, chưa phù hợp với Kết luận số 92 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đề nghị VKSND không nên trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; không nên quy định thẩm quyền quyết định việc khởi tố vụ án hình sự mà yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự ở giai đoạn điều tra; đề nghị nên bỏ thẩm quyền điều tra, cơ quan điều tra VKSND quy định tại Điều 21./.