Đa số ý kiến ĐBQH tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH và Dự thảo luật, tán thành sự cần thiết phải thông qua Luật để xử lý tình trạng nhiều doanh nghiệp thực tế đã phá sản nhưng chưa tiến hành thủ tục phá sản được. Tán thành Luật quy định cả thủ tục phá sản và phục hồi kinh doanh; về đối tượng thì cân nhắc việc đưa các tổ chức tín dụng vào luật này; về người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn thủ tục phá sản cần cân nhắc quy định người lao động nộp đơn trực tiếp, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và của chủ nợ; tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; quy định đối với các chủ doanh nghiệp bỏ trốn; thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND, quyền hạn, nhiệm vụ của thẩm phán trong tiến hành thủ tục phá sản; quyền kháng nghị của VKSND.
Buổi chiều: QH nghe trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra Dự án Luật BHXH (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH.
Đa số ĐBQH tán thành báo cáo của UBTVQH về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ tháng 6/2013 đến nay và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, 2015, nhiệm kỳ QH khóa XIII. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng vẫn còn một dự án luật không bảo đảm tiến độ; công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt; việc tiếp thu ý kiến của địa phương, Đoàn ĐBQH còn chậm; việc tổng kết, đánh giá tác động chưa chính xác, thiếu cơ sở thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, tình trạng luật khung, luật ống còn nhiều. Kiến nghị QH cần ưu tiên bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, giám sát, bầu cử, gồm các luật như: Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của HĐND, Luật Người cao tuổi (sửa đổi), Luật Tiền lương tối thiểu, Luật về phản biện xã hội, Nghị quyết về việc thi hành án hình sự đối với vấn đề thi hành án tử hình, …
(Ảnh VPQH)