Nghề đóng ghe sắt ở Ô Môn

Ngày đăng: 18-07-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

(CT)- "Bây giờ đường nhựa mở ra đến tận các nơi, các loại xe tải đều có thể mang hàng về tận vùng sâu vùng xa, nhưng chuyên chở bằng ghe trên sông rạch cũng vẫn còn hữu hiệu như ngày nào! Do vậy, nghề đóng ghe vẫn còn đắt khách. Ngày xưa đóng ghe bằng vật liệu cây gỗ ở rừng, giờ rừng được bảo vệ nên cây gỗ hiếm, vật liệu đóng ghe cũng chuyển sang bằng sắt" - ông Trần Chính, chủ doanh nghiệp đóng ghe sắt ở vàm Rạch Nhum, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết.

Ông Trần Chính, năm nay 58 tuổi, mở doanh nghiệp đóng ghe sắt đã 30 năm. Ông Chính tâm sự: "Dòng dõi đóng ghe xuồng của nhà tôi đã có trên 100 năm. Ngày xưa, bên kia chợ Ô Môn hình thành một xóm trại ghe xuồng từ vàm rạch Ba Rích dài vô ngang chợ Ô Môn. Cây gỗ lúc ấy còn dồi dào, gỗ từ miệt biên giới An Giang bè về bằng đường sông Hậu để san sát, trại mộc liền kề nhau hình thành một xóm mộc nổi tiếng khắp vùng. Khách hàng từ miệt Vĩnh Thuận, Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) đổ xô về đây đóng ghe xuồng. Hồi đó ở đây có những trại mộc danh tiếng như: Chín Xệ, Sáu Thanh, Bảy Bộ, Việt Hưng… Việt Hưng là trại mộc của ba tôi. Gia đình ba tôi gồm 8 trai 2 gái đều theo nghề mộc đóng ghe xuồng".

Ghe sắt được sản xuất tại trại ghe Trần Chính.

Vào năm1985 của thế kỷ trước, cây gỗ ngày một khan hiếm, giá ghe gỗ quá đắt, dân sống nghề sông nước không đủ tiền đóng ghe cây nên các trại mộc ở đây cũng dần dần ngưng hoạt động. Ông Chính cũng chuyển nghề đóng ghe qua làm vựa cát đá xi măng. Thế rồi trong một lần tình cờ khi ông ngồi ở bờ sông Ô Môn, thấy xà lan bằng sắt có máy kéo chạy ngang qua lại chở vật liệu xây dựng, nghĩ trong bụng: "Tại sao xà lan trọng tải đôi ba trăm tấn hoạt động bình thường trên sông nước, sao mình không dùng vật liệu sắt để đóng ghe như xà lan, giá sắt rẻ bằng một phần tư của giá cây gỗ". Từ ý tưởng đó, ông Chính tự thiết kế cho mình một chiếc ghe sắt để chuyên chở vật liệu xây dựng.

Khi ghe đóng xong, sử dụng được vài tháng, người quen thấy "khoái" liền đặt hàng. Ghe của ông Chính vừa đóng xong, có người đến hỏi mua, chiếc này vừa hạ thủy thì liền có người đặt đóng nhiều chiếc khác. Ông Chính trở lại với nghề từ đó. Ban đầu, cũng có những khách hàng do dự trong việc lựa chọn dùng ghe sắt vì những lo lắng, "sắt gặp nước mau gỉ mục, nhất là ghe đi qua miệt nước mặn". Nhưng rồi nỗi lo lắng của người dùng dần dần được đánh tan bởi những công nghệ nước sơn hiện đại có khả năng chống được gỉ sét. Ban đầu, bà con do đã quen mắt nhìn ghe bằng gỗ nhẹ nhàng nên khi thấy ghe sắt có vẻ nặng nề, nhưng đã qua sử dụng rồi thì vẫn thấy nhẹ nhàng khi ghe di chuyển trên sông nước, dần dần ghe sắt được ưa chuộng.

"Ý tưởng đóng ghe sắt tưởng đơn giản, nhưng không đơn giản chút nào, đầu tay tôi thử đóng chiếc ghe có trọng tải 10 tấn chở cát đá, vừa đi vừa rút kinh nghiệm tính chất của ghe sắt. Chưa đủ, tôi còn bỏ công đi qua miệt Tiền Giang tham khảo, học hỏi những trại đóng ghe sắt về đóng lên 20, 25 tấn, rồi lên 100 tấn. Cách thiết kế sườn ghe, cong ghe có khác với cây gỗ. Từ thực tế chuyên chở của ghe và nghề đóng ghe sẵn có tôi đã dần hoàn thiện cho mình mẫu mã một chiếc ghe sắt"- ông Trần Chính bộc bạch.

Ông Trần Chính cho biết, để hoàn thành một chiếc ghe có trọng tải khoảng 100 tấn phải dùng trung bình trên 30 tấn sắt, sườn ghe, cong ghe tùy theo khách hàng chọn độ sắt dày mỏng nên số lượng sắt có thêm bớt. Thời giá hiện nay hoàn thành chiếc ghe như trên có giá dao động từ 500 đến 600 triệu đồng. Để bảo quản tốt, an toàn cho ghe sắt thì mỗi năm sơn lườn 1 lần, nếu chủ ghe xài kỹ thì tuổi thọ của ghe sắt trên 25 năm. Ông Chính cũng cho biết: "Nghề đóng ghe sắt giờ đã là nguồn thu nhập chính cho kinh tế gia đình tôi. Qua 30 năm đóng ghe sắt, có số công nhân đã trở thành chủ trại đóng ghe sắt ở các nơi khác. Tôi luôn tìm tòi đổi mới mẫu mã và nâng cao độ bền chắc, cho hạ thủy những chiếc ghe theo thị hiếu của khách hàng".

Bài, ảnh: NHẬT HỒNG