Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 3 năm 2018

Ngày đăng: 27-02-2018 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa

           1. Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm do đo đạc lại

          Đây là nội dung mới được bổ sung tại Thông tư 10/2018/TT-BTC ngày 30/01/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.

          Cụ thể, việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau:

          Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

          Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích tăng thêm mà hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

          Cũng theo Thông tư này, trong trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định do lỗi của cơ quan Nhà nước thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận cũ. Trường hợp do lỗi của người sử dụng, đất tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mới.

          Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/03/2018.

          2. Người đủ 15 tuổi được dùng thẻ tín dụng, không cần tài sản bảo đảm

          Nhiều quy định mới về thẻ ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Thông tư 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 03/03/2018.

          Theo đó, Thông tư quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; trước đây, đối tượng này cần phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này. Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước; thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây.

          Về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, Thông tư chỉ rõ: Một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

          3. Bệnh viện phát thuốc hàng ngày, bệnh nhân phải ký nhận

          Đây là nội dung quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 01/03/2018) sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

          Cụ thể, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.

          Trường hợp chuyển tuyến, bệnh viện phải chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện tương ứng với phim được chuyển và lưu cùng hồ sơ bệnh án.

Từ ngày 01/03/2018, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú

          4. Đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng phải ghi thông tin của bố mẹ

          Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 01/03/2018), đơn thuốc điều trị ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc.

          Cũng theo Thông tư này, cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu bản chính hoặc bản sao đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc lưu thông tin về đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus, gồm: Tên, địa chỉ cơ sở khám, chữa bệnh; Tên người kê đơn, người bệnh; Tên thuốc… trong 01 năm. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không dùng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho nơi đã cấp hoặc bán thuốc.

          5. Bổ nhiệm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Ưu tiên nữ dưới 45 tuổi

          Tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Thông tư 77/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017.

          Theo đó, tuổi bổ nhiệm lần đầu ưu tiên những người dưới 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ, có thời gian công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ 05 năm trở lên (cộng dồn).

          Về trình độ, người được xem xét bổ nhiệm các chức danh này phải tốt nghiệp đại học trở lên một trong các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường hoặc chuyên ngành khác có liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của lĩnh vực được giao phụ trách; tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên…

          Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

          6. Công chức sẽ được đánh giá về tinh thần hợp tác với đồng nghiệp

          Đây là một trong những nội dung đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Thông tư 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

          Cụ thể, sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, cán bộ, công chức sẽ được đánh giá về hiệu quả sau bồi dưỡng với các nội dung đánh giá như: Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; Kỹ năng giải quyết vấn đề được nâng lên; Tính chủ động, tích cực và trách nhiệm trong công việc; Tinh thần hợp tác với đồng nghiệp.

          Việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng nhằm cung cấp cho các cơ quan, tổ chức đánh giá, cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

          7. Kỷ luật công chức được cử đi học mà tự ý bỏ học

          Thông tư 01/2018/TT-BNV ngày 08/0/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định, sẽ kỷ luật đối với cán bộ, công chức được cử đi học ở nước ngoài nhưng không chấp hành quy định của đoàn, bỏ học không có lý do; vi phạm nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc pháp luật của nước sở tại; không chấp hành các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ luật phát ngôn, giữ bí mật của Nhà nước; về nước không đúng thời hạn; không chấp hành chế độ báo cáo theo quy định.

          Cũng theo Thông tư này, chậm nhất sau 15 ngày từ ngày về nước, các cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học phải gửi báo cáo về cơ quan quyết định thành lập đoàn; cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Trong báo cáo phải thể hiện rõ những kiến thức, kinh nghiệm đã tiếp thu trong quá trình được học ở nước ngoài và đề xuất vận dụng vào công tác chuyên môn, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị đang công tác.

          Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

          8. Từ 01/3/2018, dừng khuyến mãi 50% thẻ nạp cho thuê bao trả trước

          Đây là nội dung được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tại Thông tư 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

          Cụ thể, Thông tư quy định tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ; đối với thuê bao trả sau, không được vượt quá 50%.          Như vậy, từ thời điểm 01/03/2018, các nhà mạng chỉ được khuyến mại đến tối đa 20% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả trước và tối đa 50% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả sau.

Từ 01/3/2018, dừng khuyến mãi 50% thẻ nạp cho thuê bao trả trước

9. Có từ 300 hộ gia đình trở lên mới được thành lập tổ dân phố

          Đây là nội dung mới của Thông tư 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

          Theo đó, ở vùng đồng bằng, phải có từ 500 hộ gia đình trở lên và ở vùng miền núi, hải đảo phải có từ 300 hộ gia đình trở lên mới được thành lập tổ dân phố; trong khi trước đây chỉ yêu cầu có 250 hộ ở vùng đồng bằng, 150 hộ ở vùng núi, hải đảo. Đối với thôn, ở vùng đồng bằng miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải có từ 400 hộ gia đình trở lên; khu vực miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, hải đảo có từ 200 hộ gia đình trở lên.

          Để được thành lập mới, tổ dân phố, thôn cần có cơ sở hạ tầng thiết yết, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.

                                                                                 Quách Trọng Thiện