Nhiều điều luật của Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được đóng góp sôi nổi

Ngày đăng: 05-09-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Ngày 4-9 ông Phạm Văn Hiểu - Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ chủ trì cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý ngành tư pháp, nội chính, đại biểu Quốc hội, HĐND TP chuyên trách và cán bộ Văn phòng góp ý về Dự thảo Bộ luật hình sự  (sửa đổi).

IMG_9059

Ông Huỳnh Văn Tiếp - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH (bên trái), ông Phạm văn Hiểu - Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị (ở giữa) và ông Nguyễn Hoàng Vân - Ủy viên thường trực HĐND TP Cần Thơ (bên phải)

Phát biểu mở đầu cuộc Hội thảo ông Phạm Văn Hiểu khẳng định: Sau 14 năm thi hành, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 (được sửa đổi năm 2009) đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đến nay đất nước đã có những thay đổi lớn, nền kinh tế đất nước đã có những thay đổi và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Tình hình thực tế hiện nay với nhiều vụ trong án liên tiếp xảy ra tội phạm ngày càng đa dạng, phức tạp và diễn biến khó lường do đó, nhu cầu sửa đổi bổ sung BLHS là cần thiết là cơ sở lý luận, vũ khí pháp lý chống lại tội phạm phức tạp như hiện nay.

Dự thảo BLHS (sửa đổi) gồm 443 điều tăng 99 điều so với Luật hiện hành. Tiếp đó, các đại biểu nghe ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng Ban pháp chế HĐND TP báo cáo khái quát 8 vấn đề trọng tâm cần được góp ý cụ thể: (1) Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân; (2) Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; (3) Bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, quy định không áp dụng hình phạt tử hình trong một số trường hợp, quy định không giảm án đối với người kết án tử hình nhưng chưa được ân giảm xuống tù chung thân; (4) Chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; (5) Hình phạt trục xuất; (6) Việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; (7) Bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng; (8) Về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới

Đại biểu nêu ý kiến, tham gia góp ý các nội dung cụ thể:

Ông Phan Minh Tấn, PGĐ Công an TP: đề nghị bỏ cụm từ “làm nạn nhân có thai” Điều 141, Điều 142, Điều 143 thiếu bình đẳng giới, vì thiên về nữ giới không phù hợp và khó thực hiện trên thực tế, Điều 145 đề nghị bỏ cụm từ “đã thành niên” vì theo Điều 12 đã quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự 16 tuổi nên quy định như thế là không cần thiết. Bổ sung thêm cụm từ “chất gây trơn trợt nguy hiểm” Điều 270 vì cũng gây hậu quả nghiêm trọng nếu tội phạm cố tình sử dụng chất này cản trở giao thông.

Không đồng ý với quan điểm  bỏ Điểm b, Khoản 2 Điều 141 “làm nạn nhân có thai” bà Nguyễn Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho rằng nên giữ nguyên vì đây chỉ là điều khoản mang tính chất định khung tăng nặng nếu rơi vào trường hợp này thì xử lý còn không thì không áp dụng xử lý. Tranh luận với ý kiến TAND TP tại Khoản 3 Điều 3 dự thảo về nguyên tắc xử lý bổ sung phần “Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp…” là phù hợp tạo sự công bằng đối với mọi cá nhân và pháp nhân nếu như vi phạm luật hình sự. Đề nghị bổ sung “nhằm” vào Điều 140 để điều chỉnh hành vi cố ý giao cấu nhưng chưa đạt nhằm tránh bỏ lọt tội phù hợp thực tiễn.

Tham gia góp ý ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND TP cho rằng để hạn chế quy định rườm rà, liệt kê nhiều tội sẽ bị thiếu nên bổ sung Điều 270 thành một Khoản của Điều 269“tội cản trở giao thông đường bộ” làm tinh gọn các điều luật, hạn chế được việc bổ sung. Còn đối với “việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế” Ông cho rằng nên giữ nguyên vì đây là quy định mang tính tổng quát hơn là quy định chi tiết nhưng điều luật cụ thể sẽ phát sinh kẻ hở pháp luật, dễ bị “kẻ gian” lợi dụng quy định này lách tội. Đồng thời, ông không đồng ý với “chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn” vì không hợp lý khó áp dụng.  

Luật sư Trần Thanh Phong đồng ý với quan điểm của dự thảo về “truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân phạm tội”đây là quy định dựa nhiều học thuyết, có cơ sở pháp lý và phù hợp với sự phát triển kinh tế và xu hướng hội nhập quốc tế hóa của nước ta hiện nay. Đối với nội dung bỏ Điều 165 của dự thảo bổ sung thành 45 điều luật cụ thể sẽ không điều chỉnh hết các hành vi phạm tội, hoặc nếu đưa 45 điều vào thì vẫn giữ nguyên Điều 165 như Bộ luật hiện hành. 

Đồng ý với quan điểm của Luật sư Phong, ông Trương Vĩnh Xuân, giảng viên Học viện chính trị Khu vực 4 cũng cho rằng đây là quy định tiến bộ phù hợp với xu hướng quốc tế, tranh luận với quan điểm “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân” vì chưa có cơ sở pháp lý và các điều luật phù hợp để điều chỉnh ông Xuân cho rằng dự thảo đã quy định hẳn Chương XI Những quy định đối với pháp nhân phạm tội cụ thể tại Điều 75, 77, 78, 80, 81, 82. Đề nghị gộp “tội đăng ký hộ tịch vào tội lạm dụng chức vụ quyền hạn phạm tội” xét về mặt chủ thể phạm tội của hai tội này phải là người có chức vụ mới thực hiện hành vi trên đều có tính chất phạm tội như nhau. 

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Trưởng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ thì quan tâm góp ý Điều 161 ông cho rằng nếu truy cứu hình sự là quá nặng, trên thực tế sẽ xảy ra việc người sử dụng lao động tránh né việc hạn chế hoặc đào thải bớt người lao động gây tình trạng thất nghiệp, nên cần cân nhắc kỹ khi đưa vào BLHS để điều chỉnh…

Ông Trần Văn Đặng đại diện VKS quân sự Quân khu 9 góp ý nên có quy định giải thích về các luật ngữ nêu trong dự thảo như “phạm tội có tính chất côn đồ”, “tác hại hậu quả không đáng kể”, “lỗi trong hình sự”, “tình tiết tăng nặng”, “tình tiết giảm nhẹ”, “phạm tội có động cơ đê hèn”, “Người phạm tội đã lập công chuộc tội”… nhằm tạo sự thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Đề nghị cân nhắc khi quy định bổ sung điều mới Điều 443 nguyên tắc quy định tội phạm và hình phạt trong luật khác vì không nên quy định sửa đổi bổ sung BLHS ở những luật điều chỉnh lĩnh vực mới, đặc thù, sẽ khó áp dụng trong thực tiễn, Quốc hội chỉ nên quy định những vấn đề về hình sự trong BLHS để đảm bảo tính thống nhất, pháp điển hóa.

Còn đối với ông Nguyễn Thanh Xuân, Cơ quan CSĐT Công an TP thì nêu quan điểm không nên đưa quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp luật vào thời điểm này sẽ gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng, và chưa có cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng khi điều luật được ban hành. Khoản 4 Điều 365 đề xuất không phân biệt xử lý giữa tư nhân với Nhà nước, hơn nữa cần quy định cụ thể đối với tội cho vay nặng lãi còn chung chung, như thế nào là cho vay nặng lãi mức bao nhiêu 15% hay 20% để dễ dàng trong áp dụng trên thực tiễn.

Ngoài ra, còn nhiều đại biểu đã góp ý bằng văn bản đóng góp chi tiết, có tính lý luận, thực tiễn và kiến nghị cụ thể.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phạm Văn Hiểu - Chủ tịch HĐND TP ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu cho Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) với tinh thần thái độ rất nghiêm túc, hiệu quả, nhiều ý kiến hay góp phần bổ sung, hoàn thiện dự thảo Bộ luật về các nhóm tội danh khác nhau nêu trong dự thảo. Những ý kiến phát biểu góp ý trực tiếp tại hội thảo và đại biểu góp ý bằng văn bản của hội thảo ngày hôm nay sẽ được Văn phòng ĐĐBQH và HĐND TP tổng hợp đưa vào ý kiến góp ý chung của thành phố gửi về trung ương xem xét để điều chỉnh Dự thảo BLHS (sửa đổi) cho phù hợp trước khi ban hành.

Đỗ Ngọc