(CT)- Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE). Cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, TP Cần Thơ đã tập trung thực hiện hiệu quả nội dung của Công ước này. Theo đó, thành phố đã huy động hiệu quả các nguồn lực trong hệ thống chính trị, cộng đồng để chăm lo cho trẻ em ngày càng tốt hơn…
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực
Đến cuối năm 2014, TP Cần Thơ có khoảng 284.468 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm trên 23,1% dân số thành phố. Bên cạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) theo các chương trình, mục tiêu quốc gia hành động vì trẻ em, các cấp, các ngành chức năng thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ tương lai. Kết quả công tác BVCSTE của thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu. Hoạt động chăm lo cho trẻ em ngày càng được nhiều tổ chức xã hội và cộng đồng quan tâm ủng hộ.
![]() |
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Cờ Đỏ. |
Cùng với những chế độ, chính sách dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thành phố hiện có nhiều mô hình chăm lo cho trẻ em thuộc diện này. Đặc biệt đối với trẻ em mồ côi, tàn tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, ngoài chế độ trợ cấp hàng tháng cho các em theo quy định, các địa phương cử cán bộ thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chăm sóc tốt cho các em. Các cấp, các ngành cũng thường xuyên tổ chức các đợt vận động, tuyên truyền cho người dân kiến thức chăm sóc trẻ em như: nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ, thực hiện các quyền trẻ em… Thành phố hiện có gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 23.708 trẻ em là con gia đình nghèo, cận nghèo. Theo báo cáo kết quả chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thành phố huy động sự đóng góp tích cực của cộng đồng trong các hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, thành phố huy động từ 4-5 tỉ đồng để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với các hoạt động tặng học bổng, tặng quà, tổ chức sinh hoạt vui chơi... Ông Châu Văn Tuốt, Phó trưởng Phòng BVCSTE và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, Phòng tăng cường phối hợp, vận động các tổ chức, đơn vị thực hiện chương trình hỗ trợ trẻ em theo địa chỉ. Những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bỏ học được nhận sự tài trợ về chi phí học tập, cải thiện kinh tế gia đình để những em này có điều kiện bình đẳng trong phát triển. Chương trình này đã nhận được sự đóng góp khá lớn của cộng đồng”.
Không chỉ chăm lo tốt cho trẻ, thành phố còn quan tâm đến sự an toàn của trẻ. Những năm qua, thành phố tổ chức điểm giữ trẻ mùa lũ tại các khu dân cư, giúp hàng ngàn trẻ em vùng ven có nguy cơ đuối nước được an toàn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thành phố thực hiện theo phương châm giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tăng tỷ lệ trẻ thuộc diện này được chăm sóc tại cộng đồng như: các em được sống cùng ông bà, họ hàng, cha mẹ nuôi... Từ đó, tạo cho trẻ môi trường sống gia đình lành mạnh, an toàn, để các em phát triển bình đẳng như mọi trẻ em khác.
Phát huy Quyền trẻ em
Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở TP Cần Thơ còn tập trung hướng đến việc bồi dưỡng, phát huy năng khiếu, kỹ năng trẻ em. Qua đó, giúp các em ngày càng hiểu biết về trách nhiệm cũng như quyền được nói lên nguyện vọng, mong ước bản thân đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống, xã hội.
Công tác bảo vệ, chăm lo và giáo dục trẻ em của thành phố còn thể hiện qua các chương trình, hội thảo, diễn đàn lắng nghe trẻ em. Đây là một trong những thành quả nổi bật của thành phố đối với việc phát huy vai trò, tiếng nói của trẻ em đối với các hoạt động chăm lo cho trẻ em. Chị Phạm Bích Chăm, Chuyên viên phụ trách công tác trẻ em Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, cho biết: “Những năm gần đây, quận Ninh Kiều luôn quan tâm tổ chức diễn đàn trẻ em. Qua đó, các cấp, các ngành tiếp nhận nhiều ý kiến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của trẻ em quận nhà, từ việc học tập, vui chơi, giải trí… đến những ước mơ, hoài bão của các em. Nhờ vậy, đội ngũ làm công tác trẻ em cũng như cán bộ địa phương có cơ sở chỉnh sửa, bổ sung kịp thời các hoạt động sát thực, phù hợp với trẻ em trong tình hình mới”.
Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em được bày tỏ những suy nghĩ, nỗi niềm và mong ước trước thực trạng xã hội có tác động đến đời sống, sinh hoạt và quyền lợi của trẻ em. Trẻ em được cán bộ giải đáp thắc mắc, giúp các trẻ em hiểu thấu đáo về quyền và trách nhiệm cũng như các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em…Từ đó, giúp trẻ em có thêm niềm tin, động lực, cố gắng rèn luyện bản thân trở thành con ngoan, trò giỏi để mai sau là công dân có ích, phục vụ sự phát triển thành phố và góp sức xây dựng đất nước. Trong đợt kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại TP Cần Thơ cuối tháng 7-2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: “Thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện hiệu quả nhiều chương trình thiết thực, thúc đẩy hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việc tổ chức Tháng hành động vì trẻ em hàng năm được thành phố quan tâm chọn chủ đề theo tình hình thực tế địa phương. Trong đó, mô hình Diễn đàn trẻ em được thành phố tổ chức hàng năm đã kịp thời ghi nhận những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của trẻ em”.
***
“Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”-Thông điệp ấy nhắc nhở mỗi người dân phải có trách nhiệm để mọi trẻ đều có quyền được sống, học tập và vui chơi giải trí trong điều kiện tốt nhất. Tin rằng với những thành tựu đã đạt được, lãnh đạo cùng các cấp các ngành của TP Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để trẻ em thật sự được sống trong cộng đồng an toàn và phát triển.
Bài, ảnh: THẢO MỘC