Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nâng cấp đô thị

Ngày đăng: 01-10-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai các dự án nâng cấp đô thị thành phố theo hướng hiện đại, xanh-sạch-đẹp. Cần Thơ cũng đang tiến hành các bước lập thủ tục Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị để bước sang năm 2016 có thể triển khai thực hiện dự án này.

TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện hoàn thành Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ (dự án 1), hiện nay đã và đang triển khai Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL- Tiểu dự án TP Cần Thơ (dự án 2), đồng thời đang trong giai đoạn tiền thẩm định và chuẩn bị thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3). Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ với nguồn vốn vay IDA của WB được triển khai thực hiện và hoàn thành vào năm 2014. Dự án này được triển khai trên địa bàn của 11 phường thuộc 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy, 35 khu vực có thu nhập thấp (tương đương 245 hẻm) đã được nâng cấp và khoảng 450.000 hộ dân được hưởng lợi. Ngoài ra, còn hoàn thành kênh và Hồ Xáng Thổi với diện tích 6,5 ha, rạch Tham Tướng, Cái Khế và rạch Sơn; hoàn thành hệ thống thoát nước đường Hòa Bình (đoạn từ công viên Lưu Hữu Phước đến cầu Ninh Kiều), đường Lý Tự Trọng và Phan Văn Trị; lắp đặt 109 van ngăn triều trên địa bàn quận Ninh Kiều…

TP Cần Thơ đang tập trung nâng cấp đô thị hiện đại.

Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư 90,4 triệu USD (tương đương 1.850 tỉ đồng), trong đó nguồn vốn vay ưu đãi ODA của WB là 69,95 triệu USD và vốn đối ứng của ngân sách địa phương 20,45 triệu USD. Dự án được thực hiện từ năm 2012 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2017, với 30 gói thầu xây lắp trên địa bàn 12 phường của 4 quận là Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy và Ô Môn… Mới đây, Đoàn công tác của WB đã đến TP Cần Thơ tiền thẩm định Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Đoàn công tác của WB cho rằng, thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những mối quan tâm lớn của WB, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các thành phố để thích nghi với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Từ tháng 4-2015 đến nay, đối với dự án này, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực cũng như thực hiện các cam kết. Công tác tiền thẩm định dự án rất quan trọng, WB mong muốn thành phố phân tích tất cả các vấn đề về môi trường, xã hội, mức độ hưởng lợi của người dân đối với dự án…

Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đang tiến hành các bước lập thủ tục dự án theo quy định của Chính phủ và của nhà tài trợ, dự kiến danh mục của dự án sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9, đến tháng 11-2015 trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi… Trong tháng 9-2015, WB tiền thẩm định dự án; dự kiến tháng 10 và 11-2015 thẩm định và phê duyệt dự án; tháng 12-2015 đàm phán Hiệp định; quý I-2016 ký kết hiệp định cho dự án; tổ chức đấu thầu và triển khai thi công từ quý II-2016.

Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ (chủ Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị), dự án này có tổng vốn dự kiến 6.807 tỉ đồng (tương đương 322,5 triệu USD); trong đó gồm vốn ODA từ WB là 250,36 triệu USD, vốn ODA không hoàn lại dự kiến của Thụy Sĩ 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án là 2014-2015, giai đoạn thực hiện dự án 2016-2021. Quy mô dự án đề xuất có 3 hợp phần. Hợp phần 1 - Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường: kiểm soát ngập thông qua xây dựng công trình, hệ thống kè sông Cần Thơ (đoạn từ đường Ngô Đức Kế đến rạch Cái Sơn) chiều dài 5,5 km và hành lang kiểm soát ngập dọc theo rạch Cái Sơn-Mương Khai; di dời các hộ dân lấn chiếm, ô nhiễm cặp sông Cần Thơ và nâng cấp, cải tạo đường giao thông sau kè; xây dựng van-cống triều và hệ thống bơm tiêu nước cho khu vực trung tâm thành phố… Hợp phần 2 - Phát triển hành lang đô thị: có các công trình lớn như xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2) với chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 869 m, bề rộng cầu 11 m; xây dựng và cải tạo nâng cấp đường và cầu Trần Hoàng Na, quy mô chiều dài tuyến hơn 3,7 km; đường nối Cách Mạng Tháng Tám - Đường tỉnh 918 quy mô chiều dài tuyến khoảng 5,3 km, lộ giới 40 m… Hợp phần 3 - Tăng cường quản lý đô thị thích ứng biến đổi khí hậu: quản lý rủi ro do thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý giao thông vận tải và phát triển đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành đô thị... Dự án này chủ yếu nhằm chống ngập, đảm bảo vệ sinh môi trường, giao thông kết nối, nâng cao năng lực quản lý đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu. Phạm vi dự án chủ yếu tập trung ở vùng lõi TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) với diện tích nghiên cứu 2.675 ha.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị không chỉ góp phần phát triển cho TP Cần Thơ mà còn đóng vai trò phát triển cả vùng ĐBSCL. Trước bối cảnh nguồn vốn có hạn, thời gian chuẩn bị cho dự án này quá cấp bách, do vậy phạm vi nghiên cứu của dự án có thu hẹp lại để làm sao vẫn đảm bảo được yếu tố bền vững của cả vùng, phù hợp với điều kiện thời gian thực hiện và nguồn vốn. TP Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện dự án này, những công việc thành phố đã triển khai thực hiện như: phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, có ý kiến làm việc với WB, vừa qua thành phố cũng đã làm việc với Cục Phát triển Kinh tế Thụy Sĩ, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, kiện toàn ban quản lý dự án chuyên ngành để quản lý các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA - Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: ANH KHOA