Một là, vấn đề quản lý nhà nước về môi trường ở Chương XIII. Tôi nghĩ rằng đối với vấn đề bảo vệ môi trường thì đây là nội dung quan trọng hàng đầu cần được quy định chặt chẽ và phân công trách nhiệm của các cơ quan liên quan thật rõ ràng trong luật để việc áp dụng được hiệu quả. Chúng ta đã biết trong thời gian qua có rất nhiều sai phạm về môi trường như xả chất thải vào môi trường, chôn hóa chất, khai thác quá mức tài nguyên rừng…, những cá nhân, đơn vị có hành vi này có biết làm sai quy định hay không? có biết sẽ bị phạt khi phát hiện không?... Tôi tin là họ biết, biết rất rõ, nhưng họ cũng rất biết vấn đề quản lý, kiểm tra giám sát xử phạt chưa chặt chẽ, chưa đủ nặng, răn đe nên họ vẫn thực hiện. Theo đó, tôi nghĩ trong dự luật lần này cần phải quy định tốt hơn về nội dung quản lý nhà nước. Trong dự án luật có Chương XIII với 4 Điều (từ Điều 126 đến 129) quy định về quản lý nhà nước, nhưng cũng còn quy định rải rác ở một số Điều khác trong dự luật, quy định như vậy có thể dẫn đến trùng lắp hay thiếu, làm cho công tác quản lý giảm hiệu quả. Vì thế, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định tối đa có thể được công tác quản lý nhà nước tại Chương XIII với tính chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể để thuận lợi trong việc thực thi. Bên cạnh quy định riêng trách nhiệm của từng bộ, ngành và Ủy ban các cấp thì cần có quy định thêm cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này, kể cả cơ quan chức năng chuyên môn của bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý, đánh giá, giám sát công tác bảo vệ môi trường. Quy định cơ chế và nhiệm vụ cá nhân cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có xả thải vào môi trường, báo cáo thường xuyên và định kỳ về công tác quản lý và bảo vệ môi trường đến cơ quan có trách nhiệm theo quy định. Quy định cơ chế xử phạt đủ mạnh, đủ nghiêm khắc đối với các sai phạm về vấn đề môi trường.
Hai, về nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4, tôi thống nhất với 6 Khoản mà dự thảo nêu ra, nhưng tôi nghĩ cần bổ sung thêm một nguyên tắc khác, đó là bảo vệ môi trường trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên và giảm thải chất thải vào môi trường. Nguyên tắc này có thể nhìn thấy qua các ví dụ như hạn chế việc khai thác rừng, giảm sử dụng nguồn nước, giảm chất thải vào môi trường thông qua cải tiến công nghiệp sản xuất xử lý chất thải… Có như thế sẽ góp phần rất tích cực vào vấn đề bảo vệ môi trường.
Ba là, về những hành vi bị cấm tại Điều 7, dự án luật nêu ra 17 hành vi cấm, tôi nhận thấy là hợp lý, song chúng ta cũng cần quy định cấm các hoạt động xâm hại đến môi trường, ví dụ việc làm mất rừng do làm thủy điện mà không bù đắp, sử dụng hóa chất trong các hoạt động sản xuất được quy định gây tác động xấu đến môi trường, ví dụ sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, vấn đề đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở Chương II, tôi thống nhất với các quy định trong dự án luật. Tuy nhiên, quy định về đánh giá môi trường sơ bộ được quy định tại Điều 18 trong dự thảo luật cần được cân nhắc thêm. Nếu quy định thêm điều này có thể dẫn đến sự phức tạp, thủ tục rườm rà, tốn kém, đánh giá môi trường sơ bộ vẫn là đánh giá lý thuyết, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc thêm quy định này, nên chăng chỉ áp dụng cho các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc của Chính phủ, quy định tại Khoản 1, Điều 13.
Năm là, lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu và chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Điều 26, quy định như trong dự luật chưa thể hiện đầy đủ khả năng tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường. Biến đổi khí hậu không diễn ra ngay lập tức là có quá trình, nhưng nếu luật không quy định có thể dẫn đến những lúng túng khi có sự tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường xảy ra như xâm nhập mặn, nước biển dâng, thay đổi bất thường khí hậu dẫn đến bão lũ, sự cố môi trường ... Vì thế tôi đề xuất nên có quy định mang tính chất nguyên tắc về tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong tương lai.
Sáu là, bảo vệ các thành phần môi trường ở Chương V, Mục 1. Chương này quy định bảo vệ môi trường nước sông tại các Điều 31, 32, 33; có quy định về khả năng chịu tải cả các lưu vực sông cũng như điều tra đánh giá sức tải của các lưu vực sông để xác định khả năng tiếp nhận chất thải và công bố các thông tin những đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đây là một quy định mới trong dự luật này. Tôi cho rằng quy định như thế hợp lý về mặt lý thuyết nhưng khó khăn trong thực tế. Theo tôi hiểu đánh giá sức tải đòi hỏi về mặt phương pháp, trang thiết bị, đội ngũ chuyên môn, như sức tải của lưu vực sông là sức tải động, thay đổi theo thời gian. Đặc biệt là những vùng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt liên tỉnh càng rất khó vì thế tôi kiến nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm về quy định này để đảm bảo tính thực thi cao nhất.
Bảy là, các vấn đề về báo cáo môi trường ở Mục 3, Chương XII, Điều 124 và 125 quy định báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và quốc gia được lập mỗi 5 năm. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về quy định này, vì 5 năm là khá dài, môi trường diễn biến khá nhanh, nếu lập báo cáo hiện trạng mỗi 5 năm có thể không kịp ứng xử với các biến cố, biến đổi về môi trường. Tôi đề xuất nên thực hiện mỗi 3 năm hoặc mỗi 6 năm nhưng được cập nhật định kỳ 3 năm thì sẽ hợp lý hơn.
Tám là, vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo về môi trường (Chương XVII) và bồi thường thiệt hại về môi trường (Chương XVIII), tôi thấy để cho quy định này được thực hiện hiệu quả thì cần một yếu tố rất quan trọng đó là đội ngũ cán bộ chuyên môn và hệ thống cơ quan chuyên môn có thể thiết lập theo vùng hay theo khu vực có đủ năng lực đo đạc, đánh giá môi trường để đưa ra các báo cáo đánh giá kết luận đúng và chính xác, đảm bảo tốt công tác quản lý cũng như đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong trường hợp phải xử lý sai phạm hay tranh chấp về môi trường. Vì vậy trong dự án luật cần có quy định về hệ thống mạng lưới các cơ quan chuyên môn về môi trường trong cả nước.
Chín là, các vấn đề khác. Tôi thấy trong dự án luật cần quy định trách nhiệm của Nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc thành lập các đơn vị theo khu vực, theo vùng có nhiệm vụ chuyên môn tốt ứng phó với các biến đổi hay sự cố về môi trường. Khi các hoạt động sản xuất ngày càng phát triển đa dạng, mặc dù có sự quản lý tốt hơn nhưng các sự cố về môi trường hoàn toàn có thể xảy ra, vì vậy việc sẵn sàng cho việc ứng phó là hết sức cần thiết và quan trọng. Ngoài ra còn một số quy định trong dự án luật chưa cụ thể và cũng không có quy định cơ quan nào sẽ thực thi việc quy định chi tiết, như: Đối tượng phải đánh giá tác động môi trường là các dự án có tác động xấu đến thành phần môi trường và xã hội ở Khoản 3, Điều 13, quy định như thế thì dự án nào là dự án tác động xấu đến môi trường, hay quy định khoảng cách đảm bảo an toàn giữa khu chế xuất, khu công nghiệp, khu cụm công nghiệp có nguy cơ gây tác động môi trường ở Khoản 2, Điều 45, hay cơ sở sản xuất hoặc kho tàng có khả năng gây hại môi trường ở Khoản 2, Điều 46…; đối với khu dân cư là không cụ thể khoảng cách bao nhiêu được đảm bảo an toàn. Vì thế, tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trong luật hoặc xác định cơ quan nào sẽ quy định chi tiết khi luật được thông qua để việc thực thi được thuận lợi.
Quốc Trung (lược ghi)