(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 2-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Thể hiện sự tán thành với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai kế hạch những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 đã đạt kết quả tích cực.
Chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, các đại biểu cơ bản nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đề ra các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh thanh, kiểm tra và có chế tài mạnh xử lý các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường...
Liên quan đến quá trình đàm phán các hiệp định thương mại, đề nghị Chính phủ cần có phương án đàm phán để đạt được những cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt cần “cứng rắn” trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến nông dân và sản xuất nông nghiệp; đồng thời chú trọng bảo lưu các chính sách cần thiết vì lợi ích công cộng, định hướng cơ cấu kinh tế, bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể hưởng lợi thực chất từ các cam kết. Đại biểu nhận định: Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra sự phát triển mà còn là cơ hội cho Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế.
Nhiều ý kiến đề nghị, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo, Chính phủ cần có đánh giá về những tác động của tình hình biển Đông đối với nền kinh tế đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó để tiếp tục thu hút đầu tư, bảo đảm chủ quyền Tổ quốc. Đa số đại biểu đã thể hiện sự đồng tình với phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013 để đầu tư phát triển cho các lực lượng chấp pháp trên biển như: Cảnh sát biển, kiểm ngư và bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.
Trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, dừng triển khai các dự án chưa thực sự cần thiết, bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng an ninh; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đập tan mọi âm mưu của các phần tử xấu, tấn công triệt phá các loại tội phạm để giữ bình yên cho nhân dân...
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là qua sự chỉ đạo của Thủ tướng trong giải quyết vấn đề ở Biển Đông, dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước và chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song, Chính phủ đã quyết định dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Chính phủ đã có những chính sách mới hỗ trợ ngư dân, đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay.
Các đại biểu đề nghị trước tình hình khó khăn, phức tạp, thử thách mà đất nước đang phải đối mặt, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước là nhiệm vụ của tất cả những người Việt Nam yêu nước. Những tác động không thuận của tình hình trên sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh không chỉ trong năm 2014 mà còn những năm tiếp theo. Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất về cách điều hành kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước của Chính phủ đã đề ra nhưng cho rằng cần thiết phải rà soát tổng thể lại và có những điều chỉnh hợp lý thích ứng với tình hình mới.
Đại biểu đề nghị cân đối nguồn lực trên các lĩnh vực một cách hợp lý, có thể giãn, hoãn các công trình chưa cần thiết, ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực cấp thiết, trước hết là ưu tiên nguồn lực cho quốc phòng, an ninh quốc gia, trong đó ưu tiên số một là ban hành ngay những chính sách thỏa đáng cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, nhất là các lực lượng đang làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc. Sự việc gây rối xảy ra tại Bình Dương, Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua đòi hỏi không chỉ đầu tư cho lĩnh vực biển mà còn cần đầu tư cho lực lượng công an để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn hẹp, cần khơi dậy, phát huy lòng yêu nước của mọi người dân bằng nhiều hình thức thích hợp, vận động quyên góp, tạo nguồn lực tài chính đóng góp cùng với nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, an ninh, hỗ trợ, khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Chính phủ cần dự báo những tác động về kinh tế, xã hội sau sự kiện Biển Đông để chủ động các giải pháp đối phó, đặc biệt là phải chủ động nguồn hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị máy móc, thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi cho rằng các mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra chưa cần thay đổi nhưng cơ cế chính sách và công tác tổ chức thực hiện, công tác quản lý điều hành sẽ đổi mới để biến thách thức thành thời cơ, biết tận dụng thời cơ để tạo ra những đột phá mới, sớm đưa nền kinh tế nước ta từng bước giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, tăng tính tự chủ, độc lập, ổn định và phát triển bền vững. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó có tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân đủ sức vươn xa vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; đồng thời phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng thị trường giao thương với các nước, chú ý phát triển thị trường trong nước, có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hôm nay, 3-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).