Quốc hội thảo luận Dự án Luật Tiếp cận thông tin

Ngày đăng: 30-11-2015 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng ngày 27/11/2015, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Tiếp cận thông tin. Tại phiên thảo luật, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật, nhằm cụ thể hóa và đảm bảo thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, đồng thời cho rằng, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện cần thiết để công dân thực hiện quyền làm chủ, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương phát biểu thảo luận

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ) cho rằng việc xây dựng luật là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân, hơn nữa, một xã hội muốn minh bạch thì thông tin phải được công bố công khai,...

Về cơ bản, đại biểu Nguyễn Thanh Phương tán thành với Dự thảo luật, tuy nhiên, để Dự thảo được hoàn chỉnh hơn, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh một số nội dung như:

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Dự thảo chỉ quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân, còn các đối tượng như tổ chức, đơn vị chưa được đề cập. Như vậy, các chủ thể như doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tiếp cận thông tin thì sẽ tiếp cận như thế nào, nên đề nghị Ban soạn thảo quy định mọi chủ thể đều có quyền tiếp cận thông tin, nhằm đảm bảo công bằng cho các đối tượng trong việc tiếp cận thông tin.

Về cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 6): Đề nghị bổ sung quy định các cơ quan như: tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công,... có trách nhiệm cung cấp thông tin phù hợp với quá trình hoạt động khi có yêu cầu, nhằm đảm bảo tính bao quát của luật.

Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 7): Khoản 2 quy định trong trường hợp phát hiện thông tin không chính thức, không chính xác, không đầy đủ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin do mình tạo ra là chưa phù hợp, vì không nên chờ đến khi gây hậu quả đến trật tự an toàn xã hội thì mới cung cấp thông tin do mình tạo ra, nên đề nghị quy định theo hướng khi phát hiện thông tin sai lệnh, cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời để ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng, gây hậu quả, đồng thời, cũng nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 30.

Về quy định thủ tục, trình tự, thời gian cung cấp thông tin (Điều 26, 27, 28): Quy định cụ thể thời gian trả lời và cung cấp thông tin qua đường bưu điện là chưa phù hợp, vì trong nhiều trường hợp, người đề nghị cung cấp thông tin ở xa cơ quan cung cấp thông tin và việc chuyển phát thông tin bằng đường bưu điện phải mất nhiều thời gian, nên đề nghị quy định theo hướng căn cứ vào ngày làm việc và lấy mốc thời gian mà bưu điện chuyển thư là phù hợp.

                                                                                                     Thanh Bình