Quốc hội thảo luận Dự án Luật Trưng cầu ý dân

Ngày đăng: 24-06-2015 - PHÚC ĐÁP ĐƠN THƯ, KIẾN NGHỊ

Tiếp theo chương trình kỳ họp, chiều ngày 23-6-2015, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Trưng cầu ý dân tại hội trường. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để Nhân dân được trực tiếp thực hiện quyền làm chủ, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng yêu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước; phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống “Trọng dân - tin dân - dựa vào dân”“Lấy dân làm gốc”.

Đại biểu Trần Hồng Thắm phát biểu tại phiên thảo luận

Tuy nhiên, để Dự thảo luật được hoàn thiện hơn, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý một số nội dung sau đây:

Về 4 quan điểm cơ bản xây dựng Luật: Cần làm rõ quan điểm thứ 3 và thứ 4. Việc xây dựng Luật phải đảm bảo cơ sở thực tiễn, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Nhà nước chưa thể chế hóa pháp luật rõ ràng về trưng cầu ý dân nên việc Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực đối với những vấn đề quan trọng của đất nước còn hạn chế; việc xây dựng Luật cũng cần đảm bảo kế thừa, phát triển và khẳng định những giá trị của dân chủ trực tiếp trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với tư cách là một chủ thể.

Về những vấn đề quan trọng đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 6): Đề nghị chỉ nên quy định khái quát những vấn đề được đề nghị Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân, vì trong quá trình phát triển, hội nhập sẽ có nhiều mối quan hệ xã hội phát sinh nên nếu quy định quá cụ thể sẽ không đảm bảo “tuổi thọ”, tính bao quát của Luật.

Về chủ thể có quyền trưng cầu ý dân: Đề nghị chọn Phương án 2, vì ngoài các chủ thể ở phương án 1, bổ sung Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân là phù hợp, vì quy định Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống hành chính quốc gia. Bên cạnh đó, nếu quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, đồng thời, còn tạo cơ sở pháp lý cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình.

Về thời gian gửi Tờ trình trưng cầu ý dân; Trình và quyết định trưng cầu ý dân (Khoản 2 Điều 13 và Khoản 1 Điều 16): Quy định thời gian gửi Tờ trình trưng cầu ý dân đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và thời gian gửi Tờ trình trưng cầu ý dân đến ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội tương đối gần nhau là không phù hợp, vì hai chủ thể tiếp nhận Tờ trình có vị trí pháp lý khác nhau, theo trình tự gửi Tờ trình đến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước để thẩm tra báo cáo ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội, nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm để có quy định thời gian tiếp nhận Tờ trình phù hợp giữa hai chủ thể (vừa nêu).

Tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 18): Đề nghị thay cụm từ “Theo quyết định của Quốc hội” bằng cụm từ “Theo nghị quyết của Quốc hội, nhằm đảm bảo phù hợp với hình thức văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội có thẩm quyền ban hành.

Về các cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân (Điều 20 đến 25 ): Tán thành với ý kiến cho rằng không nên tổ chức bộ máy mới phụ trách trưng cầu ý dân, vì việc trưng cầu ý dân là hoạt động không thường xuyên nên quy định “Tổ chức trưng cầu ý dân theo nghị quyết của Quốc hội”, đồng thời, nên quy định giao Uỷ ban thường Quốc hội trực tiếp thực hiện và chỉ đạo tổ chức trưng cầu ý dân trên toàn quốc là phù hợp./.

Thanh Bình
Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Cần Thơ