Tại buổi thảo luận, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng Luật Tố tụng hành chính được áp dụng ba năm qua, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, cơ bản đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, còn tình trạng không ít Thẩm phán, Tòa án từ chối việc tiếp nhận đơn khiếu kiện của người dân đối với các bản án hành chính, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian mới tiếp nhận đơn khiếu kiện gây bức xúc trong Nhân dân; trong xét xử, các bản án hành chính bị hủy, sửa còn nhiều (năm 2014, đơn bị hủy chiếm 4,64%, bị sửa chiếm 4,3%); việc thi hành các bản án xét xử hủy quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện còn chậm; trong tranh tụng, tố tụng hành chính còn nhiều bất cập nên việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp phát biểu tại phiên thảo luận
Về cơ bản, tán thành Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo luật đi vào cuộc sống khi được ban hành, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh, bổ sung một số nội dung sau đây:
Về đảm bảo tranh tụng, tố tụng hành chính (Điều 19): Thống nhất với quy định tại Điều này. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án hành chính có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thực hiện việc thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu chứng cứ kể từ khi Tòa án nhận đơn khởi kiện; đương sự có quyền trình bày, được quyền đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận, đánh giá chứng cứ dựa vào quy định của pháp luật, áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của pháp luật; Tòa án bảo đảm mọi tài liệu chứng cứ phải được xem xét công khai; Tòa án điều hành hoạt động tranh tụng hỏi thêm những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ban hành, quyết định bản án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia tranh tụng, và tố tụng hành chính.
Về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án (Điều 24): Đề nghị bỏ từ "hữu quan" và “tổ chức hữu quan”, nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, đồng thời, nên quy định (ghi rõ) mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.
Về phân định thẩm quyền của Tòa án (Điều 33, 34): Đề nghị bỏ quy định tại Khoản 4 Điều 34, quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện; và nên quy định giao thẩm quyền nêu trên cho Tòa án nhân dân cấp huyện như luật hiện hành là phù hợp, nhằm đảm bảo tinh thần cải cách tư pháp, tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện.
Về gửi đơn khởi kiện đến Toà án (Điều 118): Tại Khoản 3 quy định người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng phương thức gửi trực tuyến trong trường hợp Toà án áp dụng hình thức nhận đơn trực tuyến là chưa phù hợp, vì nhận đơn theo hình thức này thì căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để xác định đơn khởi kiện là đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; và sẽ không có căn cứ xác định người gửi đơn khởi kiện, vì trong đơn không có chữ ký xác nhận hoặc điểm chỉ xác nhận của chính quyền địa phương. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định này.
Về yêu cầu, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Toà án (Điều 313): Khoản 1 quy định “Trường hợp hết 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc hết thời hạn thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án mà người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Toà án. Trong trường hợp này, người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp cho Toà án bản sao bản án, quyết định của Toà án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh mình đã có đơn đề nghị hợp lệ nhưng người phải thi hành án không thi hành án”; và Khoản 2 quy định trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc phải thi hành án hành chính là chưa đầy đủ. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ trường hợp bản án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm thì người được gửi đơn khởi kiện sẽ gửi yêu cầu cho cơ quan chức năng nào? Đề nghị nên quy định người được thi hành án gửi đơn đến Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm kiện cá nhân, tổ chức không chấp hành bản án có hiệu lực thi hành bản án để Tòa án xét xử việc không chấp hành bản án của người bị thi hành và tổ chức không thi hành bản án là phù hợp./.