Qua nghiên cứu báo cáo giám sát của UBTVQH và thực tế đi giám sát trên địa bàn thành phố Cần Thơ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn năm 2004 - 2014, cho thấy:
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 26/6/2003 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đến tháng 12/2014 đã mang lại một số kết quả như:
- Đã sắp xếp, giải thể những nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, đã chuyển đổi nông, lâm trường thành công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và bước đầu kinh doanh mang lại hiệu quả, quản lý có chặt chẽ hơn.
- Việc đo đạt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo báo cáo của Chính phủ mới đạt 45,8% diện tích cần cấp, tiến độ cấp giấy chậm hơn so với yêu cầu.
- Tình trạng tranh chấp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp xảy ra thường xuyên, trong thời gian dài, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài. Các hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất đai, cho thuê đất, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật cũng được xử lý một bước nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Theo báo cáo Chính phủ, đến năm 2015 giao đất có thu tiền chỉ có 4 đơn vị với diện tích 2029 ha, cho thuê đất 112 đơn vị với diện tích 472.709 ha, giao đất không thu tiền sử dụng đất với 526 đơn vị với diện tích 7.124 ha.
Thực tế, qua giám sát có 4 đơn vị nông, lâm trường thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất đai, còn 242 nông, lâm trường đang quản lý, sử dụng 1.981.189 ha đất nhưng chưa thực hiện chuyển sang diện thuê đất hoặc giao đất có thu tiền. Từ đó cho thấy, việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của các cơ quan, các cấp chính quyền và các công ty nông, lâm nghiệp là chưa nghiêm, chưa đúng pháp luật.
Số tiền thu được từ việc thu tiền sử dụng đất, thuê đất của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp rất ít so với diện tích mà các đơn vị quản lý. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ, ngành, các địa phương làm rõ nguyên nhân.
Để cho việc thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp thời gian tới, đề nghị:
- Chính phủ cần có các giải pháp, biện pháp đồng bộ để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
Ở Cần Thơ, Đoàn ĐBQH giám sát hai đơn vị. Nông trường Cờ Đỏ, năm 2008 chuyển đổi sang Công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên, cho thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt, lợi nhuận trước thuế 2,688 tỷ đồng năm 2004, đến năm 2014 tăng lên 9,500 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu từ 44 tỷ đồng năm 2004 tăng lên 113 tỷ đồng năm 2014; lương cán bộ nhân viên từ 1,7 triệu/tháng/người năm 2004, đến năm 2014 tăng lên 6,3 triệu/tháng/người. Công ty đang thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống lúa cung cấp cho nông dân.
Còn Nông trường Sông Hậu, qua giám sát cho thấy hiện còn nợ các ngân hàng và UBND thành phố Cần Thơ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xóa nợ hoặc có giải pháp xử lý tài chính để thực hiện Đề án chuyển đổi sang Công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên Sông Hậu.
- Đề nghị Chính phủ rà soát đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng cần tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ hiệu quả cao, đồng thời, thực hiện cổ phần hóa đối với công ty nông, lâm, nghiệp.
- Đề nghị cho giải thể, cho phá sản đối với các công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kép dài, không quản lý được đất đai, giao khoán trắng, hoặc giao khoán đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
- Thống nhất đề nghị kiên quyết thu hồi diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, đất cho mượn vi phạm pháp luật về đất đai để bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý và ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, người dân tại địa phương không có đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.
- Đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ có cân đối ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho địa phương thực hiện việc đo đạc, cấm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính với toàn bộ đất đai trên cả nước, trong đó, có quan tâm đến đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, đất nông, lâm trường, đất của các ban quản lý rừng.
Thống nhất với Dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện, nhằm quản lý, khai thác tiềm năng đất đai hiệu quả, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển đất nước giàu mạnh.