Sửa đổi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cần bám sát vào hai chức năng công tố và giám sát các hoạt động tư pháp

Ngày đăng: 06-06-2014 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, sáng ngày 05/06/2014 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Minh Kha (TP Cần Thơ) tham gia thảo luận:

 “Thống nhất sửa đổi Luật, nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp; nội dung sửa đổi  theo Dự thảo nhìn chung cơ bản, toàn diện theo hướng cải cách tư  pháp. Về cụ thể, kiến nghị: Nội dung Dự Luật sửa đổi cần bám sát vào hai chức năng công tố và giám sát các hoạt động tư pháp để phù hợp với Hiến pháp; tại Điều 2 không nên quy định hoạt động công tố bao gồm cả việc xác định tội phạm và người phạm tội để phù hợp với Kết luận số 92 ngày 12/3/2014 và Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Điều 12, 13 cần quy định theo hướng Viện kiểm sát nhân dân không trực tiếp giải quyết tố giác tin báo tội phạm, để đảm bảo tính khách quan trong giải quyết vụ việc khi Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan giám sát độc lập; Điều 15, đề nghị bỏ thẩm quyền quyết định việc khởi tố vụ án hình sự, chỉ quy định theo hướng yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự nhằm tránh tình trạng lạm quyền; Điều 20, cần quy định cụ thể các hoạt động điều tra của Viện kiểm sát, để thống nhất trong áp dụng; Về thẩm quyền điều tra theo quy định tại Điều 21, trách nhiệm của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên quy định tại Mục 4, Chương IV Dự thảo Luật thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, không cần thiết quy định; Về tương trợ tư pháp hình sự, đề nghị không nên giao hết cho Viện kiểm sát làm đầu mối trung gian mà tùy trường hợp có quy định cụ thể để việc tổ chức thực hiện được thuận lợi; tiếp tục duy trì mô hình viện kiểm sát nhân dân theo phân cấp địa giới hành chính như hiện nay, để phù hợp với mô hình cơ quan điều tra, thi hành án, cũng như đảm bảo giải quyết các vụ việc (khiếu nại, tố giác,… về tư pháp) nhanh chóng, kịp thời; bỏ quy định về tuổi nghỉ hưu riêng của ngành (nam 65, nữ 60) để phù hợp với Bộ luật Lao động, trừ một số trường hợp đặc thù (như: Kiểm sát viên có học hàm, học vị, vị trí cao, có sức khỏe, nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy,…) do Chính phủ quy định”

Ý kiến tham gia thảo luận sẽ được Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp trình Quốc hội xem xét, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự án Luật./.

 

Lê Lạc (lược ghi)