Sức mạnh của bản sắc truyền thống và dấu ấn hiện đại

Ngày đăng: 23-09-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

(CT)- Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015, Cần Thơ đã xây dựng thành công môi trường văn hóa, làm nền tảng và động lực cho sự phát triển của thành phố được định hướng là trung tâm vùng ĐBSCL, đô thị loại 1 trực thuộc trung ương. Đến Cần Thơ hôm nay, có thể thấy dấu ấn của một thành phố trẻ với bộ mặt đô thị và những sự kiện văn hóa hiện đại làm phong phú đời sống tinh thần mọi tầng lớp nhân dân; song song đó là sự lan tỏa sâu rộng của những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Dấu ấn của đô thị trẻ

5 năm qua, một trong những thành công của Cần Thơ trong xây dựng môi trường văn hóa là trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa với 20 công trình được thực hiện, kinh phí xây dựng trên 140 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa được trên 9,3 tỉ đồng. Từ những đầu tư đó, 27 di tích lịch sử - văn hóa (cấp quốc gia và thành phố) dần được phát huy giá trị trong đời sống hiện đại thông qua các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các công ty lữ hành, kết nối vào các tour tuyến du lịch trong thành phố, các chương trình đưa di sản vào trường học, đưa di sản đến giới trẻ… Chỉ riêng chương trình đưa di sản vào học đường trong giai đoạn 2010-2015 với các chủ đề "Vui học sử Việt", "Tuổi trẻ học đường hướng về biển đảo", "Học cùng nghệ nhân", "Hành trình về nguồn", "Em học em vui"… đã thu hút gần 600.000 lượt học sinh và giáo viên.

5 năm qua cũng là một chặng đường văn hóa Cần Thơ ghi dấu ấn với những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức. Nổi bật là đường đèn- đường hoa nghệ thuật dịp Tết Nguyên đán, được tổ chức từ năm 2014. Với sự kiện này, mỗi dịp xuân về Tết đến, tuyến đường Hòa Bình - 30-4- Nguyễn Thái Học- Võ Văn Tần của thành phố Cần Thơ trở thành địa chỉ văn hóa thu hút hàng chục ngàn lượt người dân thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung tham quan. Đầu năm 2015, Lê Thúy, Việt kiều Úc, lần đầu về quê Cần Thơ ăn Tết sau 10 năm lập nghiệp xứ người, không khỏi ngạc nhiên về sự phong phú trong đời sống tinh thần của đất Tây Đô hôm nay: "Nhiều hoạt động lễ hội cộng đồng và trải nghiệm văn hóa như phố ông đồ, trình diễn ẩm thực, nghề truyền thống, rồi đường đèn, đường hoa... mà thành phố tổ chức đã tạo không gian đô thị vừa sinh động vừa truyền thống. Những sự kiện này làm tôi lần đầu tiên trở về, cảm thấy phấn chấn và hứng khởi".

Một tiết mục tái hiện lịch sử trong chương trình kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) tại TP Cần Thơ. Ảnh: T. VI

Cần Thơ còn có Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ được tổ chức liên tục 4 năm, đến 2015 trở thành lễ hội thu hút khoảng 160.000 lượt người đến trải nghiệm ẩm thực miệt vườn trong 5 ngày. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên Hội Sách được tổ chức tại thành phố, thu hút khoảng 260 gian hàng của hầu hết các NXB và các công ty phát hành sách tên tuổi toàn quốc. Hội Sách đã góp phần làm sống dậy văn hóa đọc tại ĐBSCL với hơn 300.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, những sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc trung ương… được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, hướng đến tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

"Những sự kiện văn hóa trên được tổ chức thành công trên cơ sở công tác xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị được triển khai thực hiện", ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nhận định. Các sự kiện nổi bật trong không gian đô thị an ninh, trật tự, xanh- sạch- đẹp, người dân ứng xử văn minh. Đó là kết quả của nhiều năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị, mà trọng tâm là đề án "Xây dựng nếp sống văn hóa- văn minh đô thị" trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 đã được UBND thành phố ban hành theo Quyết định số 3483/ QĐ-UBND, ngày 15 tháng 12 năm 2010.

Trước khi đề án được ban hành, từ năm 2007, quận Ninh Kiều đã triển khai tuyên truyền về nếp sống văn minh đô thị. Qua đó, đúc kết những kinh nghiệm và cách làm hay để nhân rộng. Việc tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh đô thị được lồng ghép trong các cuộc họp chi bộ, đảng bộ, đoàn thể, khu vực, tổ nhân dân tự quản; phát tin tức trên các đài truyền thanh, trường học, các điểm chợ; phát tờ bướm, tờ rơi về các nhóm hành vi vi phạm trật tự đô thị; phát động nhân dân giữ gìn vệ sinh, quản lý rác thải, cây xanh và bảo vệ môi trường. Từ đó, tiến đến xây dựng các mô hình "Phường sạch rác" tại các phường trong quận. Vỉa hè được lát gạch, biển báo giao thông được sửa chữa và lắp mới, thay tất cả băng đá hư hỏng tại các công viên, lắp đặt thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng…- những việc làm thiết thực đã tạo vẻ mỹ quan cho đô thị Ninh Kiều. Song song đó, Ninh Kiều tổ chức được nhiều mô hình hay, như phố hàng rong ở đường Phan Chu Trinh- Phan Bội Châu, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán hàng rong mất mỹ quan ở Bến Ninh Kiều; tổ chức bãi giữ xe trên các tuyến Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Nguyễn Thái Học, Võ Văn Tần… tạo nếp sinh hoạt trật tự, kỷ cương chung cho thành phố.

Các quận huyện khác cũng có những mô hình phù hợp, như Đề án "Về việc xây dựng tuyến đường Văn minh đô thị" với tiêu chí "Xanh, sạch, đẹp, văn minh, an toàn giao thông" ở quận Ô Môn. Hay quận Bình Thủy từ năm 2010 đã tiến hành thực hiện Đề án "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị quận Bình Thủy" với mục tiêu xây dựng nếp sống đẹp từ mỗi gia đình, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội, là nền tảng phát huy giá trị các di tích và lễ hội trên địa bàn... Công tác xây dựng, giữ gìn mỹ quan đô thị còn có sự chung tay góp sức của các ngành: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, các Hội, đoàn thể…

Xây dựng bản sắc cộng đồng

Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền, cho biết: Nền tảng cho sự phát triển đời sống văn hóa trong nhân dân là tạo được những phong trào chung của cộng đồng, từ đó hình thành những giá trị và bản sắc riêng để mỗi người tham gia đều tự hào và ra sức giữ gìn, phát triển. Ở Phong Điền, tất cả các ấp đều có 3 CLB: CLB Gia đình văn hóa, Thể dục thể thao và Đờn ca tài tử; nhiều ấp có đến 5-6 CLB theo nhu cầu của người dân. Từ đó, các phong trào chung của huyện luôn được nhân dân đồng tình, chung sức; trong đó, có công tác xây dựng cảnh quan môi trường mà huyện đang đặt trọng tâm. "Chúng tôi vừa ra quân phát quang, trồng cây, trồng hoa trên các tuyến từ chợ Cầu Nhím đến Xẻo Tre, từ Xẻo Tre đến giáp Giai Xuân", anh Nguyễn Thanh Liêm, công chức văn hóa xã hội xã Tân Thới, huyện Phong Điền, hào hứng kể. Ông Trần Văn Mười, cán bộ Mặt trận ấp Tân Long, xã Tân Thới, nói thêm: "Ra quân trồng cây, trồng hoa là bước khởi đầu, chuyện lâu dài và quan trọng là chăm sóc, giữ gìn. Ở đây, người dân ai cũng có ý thức trong việc này". Trong 21km đường ở các tuyến Lộ Vòng Cung, 926 (Phong Điền- Trường Long), 918 (Bông Vang- Tân Thới), Mỹ Khánh- Ba Se… được Huyện ủy- HĐND- UBND chọn xây dựng tuyến Sáng- Xanh- Sạch- An toàn, phần việc lâu dài là chăm sóc, giữ gìn các cây xanh, bồn hoa do người dân đảm nhiệm; còn nhà nước lo đèn chiếu sáng (tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng), cung cấp giống cây xanh, tổ chức hệ thống thu gom rác, giữ an toàn chung tại 3 chốt gác do Công an huyện đặt cũng như 114 cổng an ninh trật tự trong toàn huyện.

Xác định nền tảng của phong trào là các CLB có tính chất tập hợp cộng đồng, nhiều năm qua ngành văn hóa thành phố phát triển mạnh các mô hình CLB. Hiện thành phố có hơn 600 CLB Gia đình văn hóa, gần 400 CLB Đờn ca tài tử, văn hóa - văn nghệ. Anh Nguyễn Văn Đền, công chức văn hóa xã hội xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: "Ở Định Môn, nhờ phong trào tài tử phát triển mạnh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhất là ở 3 họ tộc đờn ca tài tử là họ Huỳnh, họ Lương và họ Võ; hay CLB Văn nghệ ở chùa Neryvone tập hợp đông thanh niên và đồng bào dân tộc Khmer sinh hoạt… mà đời sống văn hóa phát triển bền vững, hầu như không có các quán karaoke, các "điểm đen" về văn hóa trên địa bàn". Phương thức sinh hoạt của CLB Gia đình văn hóa cũng linh hoạt. Năm 2015, khi đô thị phát triển và có nhiều thay đổi trong các vấn đề xã hội, CLB Gia đình văn hóa kết hợp với nội dung xã hội hóa công tác tuần tra, canh gác ở khu dân cư; xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình không có người thân vi phạm pháp luật, nhà trọ văn minh, đèn trước ngõ - mõ trong nhà…

Anh Nguyễn Văn Giữ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thới Lai nhận định: Nhìn từ cơ sở, cái được lớn nhất của người dân là nhờ sự đầu tư của nhà nước trong xây dựng các mô hình văn hóa cơ sở, nhất là mô hình ấp- khu vực, xã- phường văn hóa mà đời sống tinh thần của nhân dân phát triển về bề nổi lẫn chiều sâu. Bề nổi là sinh hoạt các CLB ngày càng phong phú do được đầu tư nhà văn hóa, nhà thông tin, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa văn nghệ. Chiều sâu là đời sống nhân dân thay đổi toàn diện. Ông Trần Văn Mười, cán bộ Mặt trận ấp Tân Long, Tân Thới, Phong Điền nêu ví dụ: "Từ khi xây dựng ấp văn hóa, hộ nghèo giảm 60-70%, giờ ấp chỉ còn 3 hộ nghèo". Nhờ vậy, phong trào luôn được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và không ngừng phát triển. Nếu như đầu năm 2010, thành phố có 35/85 xã phường văn hóa; 531/627 ấp- khu vực văn hóa; thì năm 2015 đã có 56/85 xã phường văn hóa; 610/630 ấp- khu vực văn hóa.

* * *

5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng bộ thành phố cũng là một phần của chặng đường hiện thực hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", trong đó nhấn mạnh: "Chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa- thông tin (…) Tạo lập môi trường văn hóa- xã hội lành mạnh, xây dựng con người Cần Thơ trí tuệ- năng động- nhân ái- hào hiệp- thanh lịch". Xây dựng thành công môi trường văn hóa đã góp phần tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trẻ.

XUÂN VIÊN