TAND hai cấp thành phố tích cực giải quyết, xét xử các loại án dân sự, hành chính

Ngày đăng: 29-08-2018 - THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT
Ảnh minh họa
 
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2018 của Ban Pháp chế, sau quá trình khảo sát, làm việc với TAND hai cấp thành phố, vừa qua Ban Pháp chế đã ban hành Báo cáo kết quả giám sát công tác giải quyết, xét xử các loại án dân sự, hành chính của Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Cần Thơ.


Quang cảnh buổi giám sát của Ban Pháp chế tại TAND thành phố

          Kết quả giám sát cho thấy, TAND các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, triển khai thực hiện nhiều văn bản luật mới có liên quan đến công tác giải quyết, xét xử của ngành TAND, từ đó, hầu hết cán bộ, công chức, thẩm phán luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

          Mặc dù số lượng cán bộ, công chức, thẩm phán còn thiếu so với yêu cầu, cơ sở vật chất còn khó khăn; các vụ, việc dân sự, hành chính thụ lý ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất nhưng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo TAND các cấp nên kết quả giải quyết, xét xử các vụ việc hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh thương mại, lao động có chuyển biến tích cực. Số án dân sự được giải quyết hàng tháng khá cao. Tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết vụ, việc dân sự của TAND quận, huyện đạt tỷ lệ cao, riêng hai đơn vị được khảo sát (Ninh Kiều, Phong Điền), tỷ lệ án dân sự hòa giải thành đều đạt trên 70%. Công tác giải quyết, xét xử án hành chính được thực hiện theo quy định mới, từ đó, bước đầu khắc phục những tồn tại, bất cập từ thực tiễn  nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

          Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp được quan tâm, TAND thành phố phối hợp với VKSND tổ chức được 35 phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, qua đó, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa từng bước được nâng lên, hoạt động xét xử tại phiên tòa ngày càng thể hiện tính uy nghiêm, thể hiện văn hóa pháp đình, tôn trọng đối với Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng và tôn trọng nội quy, trật tự phiên tòa.

          Mối quan hệ phối hợp giữa TAND với các cơ quan liên quan có nhiều tiến bộ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hành chính. TAND hai cấp đã cơ bản khắc phục tình trạng chậm gửi các văn bản tố tụng đến VKSND cùng cấp và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan; phối hợp giải thích kịp thời những bản án tuyên có nội dung chưa rõ, khó thi hành để hỗ trợ cơ quan THADS tổ chức thi hành đúng quy định.

          Qua làm việc, lãnh đạo TAND thành phố thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của TAND 2 cấp và tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, nhắc nhở TAND quận, huyện trong việc giải quyết án dân sự, án hành chính bị tạm đình chỉ, án quá hạn luật định.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Pháp chế đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, phân tích các nguyên nhân và đề nghị TAND thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

          Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 liên quan hoạt động xét xử của TAND; thực hiện nghiêm túc chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND các cấp gắn với việc cải cách thủ tục hành chính.

          Lãnh đạo TAND thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu mà ngành đặt ra trong thời gian tới. Có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng gửi bản án, quyết định của TAND đến VKSND và các cơ quan có liên quan chậm so với thời gian quy định; hạn chế tối đa án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không để xảy ra việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án; thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc để khắc phục các nguyên nhân tạm đình chỉ và khẩn trương giải quyết vụ việc khi căn cứ tạm đình chỉ đã hết; hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyên án không rõ, khó thi hành; tăng cường công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự .

          Nâng cao ý thức trách nhiệm của thẩm phán trong giải quyết án dân sự, xây dựng kế hoạch phân công cụ thể cho từng thẩm phán giải quyết các vụ, việc nhằm kéo giảm lượng án tồn đọng (án tạm đình chỉ, án quá hạn luật định,...), xem đây là chỉ tiêu để xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo, thẩm phán không quyết tâm giải quyết để giảm lượng án tồn đọng (đặc biệt là TAND quận Ninh Kiều và TAND huyện Phong Điền).

          TAND hai cấp tăng cường phối hợp với UBND trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Phối hợp với UBND thành phố, VKSND thành phố sơ, tổng kết việc thực hiện Quy chế số 01/QCPH-UBND-TAND-VKSND để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo TAND quận, huyện chủ động phối hợp với UBND, VKSND cùng cấp cụ thể hóa các nội dung phối hợp để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

          Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần và ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, Thẩm phán theo tinh thần cải cách tư pháp. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức ngành TAND theo quy định./.

                                                                                 Quách Trọng Thiện