Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Theo Tờ Trình của Chính phủ, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như với các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và tình hình thực tế hiện nay. Đặc biệt, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, đó là Nhà nước phải "Có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp". Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, đó là: "Công dân có quyền có chỗ ở", "Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…", "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam" và Nhà nước phải "có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở".
Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như: bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm qua; đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở… Như vậy, với đề xuất 10 nhóm nội dung cần sửa đổi như trong Tờ trình của Chính phủ thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 179 Điều. So với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 4 Chương và 26 Điều.
Cũng trong buổi sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Về phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành.
Xung quanh nội dung quy hoạch xây dựng, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. Theo các đại biểu, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng. Do đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung quy hoạch xây dựng như trong dự thảo Luật.
Cũng trong buổi thảo luận sáng 24-5, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã góp ý về giấy phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu và điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài; thanh tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm..
Buổi chiều Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công.
(Theo TTXVN)