Tiếp tục ngày làm việc thứ bảy kỳ họp thứ 10, ngày 26/10/2015 Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) tham gia thảo luận thống nhất cơ bản với Báo cáo, giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp, quy định cơ quan, tổ chức cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu việc dân sự tại Tòa án để Tòa án giải quyết trên cơ sở không được từ chối, mặc dù vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng; thống nhất nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng thì áp dụng tập quán, án lệ và lẽ công bằng; thống nhất bổ sung Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành để bảo đảm các bên tranh chấp thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự đã tự nguyện thỏa thuận (tại các Điều 415, 416, 417, 418). Quy định này sẽ góp phần phát huy kết quả hòa giải được áp dụng theo Luật hòa giải cơ sở, Luật thương mại, Bộ luật lao động,…; thống nhất quy định (tại Khoản 1, Điều 296): Kiểm sát viên được phân công tham dự phiên tòa phúc thẩm, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm; về vị trí vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng, đề xuất Dự thảo tiếp tục xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng như quy định tại Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành và Điều 46, Điều 57 và Điều 58 của Dự thảo; cân nhắc quy định về nguyên tắc đảm bảo tranh tụng khi thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án (tại Điều 24 của Dự thảo), nhằm đảm bảo áp dụng được khả thi (vì thực tế thời gian việc đảm bảo cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm còn rất hạn chế); quy định cụ thể chứng cứ, tài liệu có giá trị phải là chứng cứ, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án (bản gốc tài liệu, vật, phương tiện, tài sản trực tiếp liên quan đến các giao dịch tranh chấp), để Tòa án có cơ sở căn cứ để có nhận định phù hợp, cũng như đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm vào Khoản 3 Điều 24 quy định Tòa án phải căn cứ vào hồ sơ chứng cứ, kết quả tranh tụng để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định nhằm đảm bảo kết quả xét xử được chính xác và khách quan.
Theo chương trình kỳ họp, Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 25/11/2015./.
Lê Lạc