Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Ngày đăng: 08-09-2017 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG
Xác định tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử, là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đại biểu của mình, đồng thời cũng là phương thức hữu hiệu để công dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc tham gia đóng góp ý kiến vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Do vậy, hầu hết đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ xác định tiếp công dân là trách nhiệm của mỗi đại biểu, từ đó thường xuyên trao dồi kỹ năng và tích cực nghiên cứu các quy định của pháp luật, khi tiếp công dân đã chủ động lắng nghe ý kiến của Nhân dân, cẩn trọng trong giao tiếp với dân, biết đặt mình vào vị trí của người khiếu nại, tố cáo, làm trung gian giúp công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo pháp luật.
Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 759) và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thường trực HĐND thành phố, Thường trực HĐND quận, huyện và Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Thường trực HĐND các cấp) đã ban hành nhiều văn bản để quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện đến đại biểu HĐND các cấp; tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND các chuyên đề liên quan đến các kỹ năng tiếp công dân của đại biểu dân cử; đảm bảo các điều kiện, tổ chức tốt để đại biểu HĐND cấp mình tiếp công dân theo đúng quy định.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 759, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Quyết định số 13/QĐ-HĐND-TT ngày 12 tháng 12 năm 2014 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ (khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016) và Quyết định số 16/QĐ-HĐND ngày 22 tháng 8 năm 2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ (khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021), đây là nền tảng quan trọng để HĐND, đại biểu HĐND thành phố thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trên cơ sở này, Thường trực HĐND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã ban hành quy định về tiếp công dân của đại biểu HĐND cấp mình phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 759, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố đã tiếp 6.858 lượt công dân; tiếp nhận 2.941 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các công trình, dự án trên địa bàn thành phố (việc áp giá bồi thường về đất, tài sản gắn liền trên đất; việc bố trí nền tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng…); việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm triển khai, việc chậm thi hành các bản án của tòa án, công tác tổ chức thi hành án dân sự…

Qua tiếp công dân, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 432 nội dung khiếu nại, 176 nội dung tố cáo, 2.333 nội dung kiến nghị, phản ánh. Sau khi nghiên cứu, phân loại và xử lý bước đầu đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền 1.118 nội dung, hướng dẫn và giải thích cho công dân 1.823 trường hợp.

Thông qua hoạt động tiếp công dân, qua tiếp xúc cử tri và đơn thư do công dân chuyển đến qua đường bưu điện, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã tiếp nhận 5.025 lượt đơn thư. Đồng thời, đã chuyển 4.151 đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (chủ yếu là UBND thành phố, UBND các quận, huyện, Toà án nhân dân các cấp, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp…); thực hiện lưu 874 đơn do không đủ điều kiện xử lý. Nhận trả lời từ các cơ quan chức năng và thông báo kết quả giải quyết đơn cho công dân đối với 4,009 trường hợp (Tỷ lệ có văn bản giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền đạt trên 96%).

Nhìn chung, thời gian qua, Thường trực HĐND các cấp trên địa bàn thành phố thường xuyên chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Thông qua hoạt động tiếp công dân đã giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu biết về chủ trương, chính sách pháp luật; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật; xem xét, phân loại đơn, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, kiểm tra việc giải quyết đó và thông tin, trả lời đến người dân.

Các đại biểu HĐND thực hiện tốt công tác tiếp dân định kỳ và đột xuất theo quy định, qua tiếp dân đã đôn đốc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân, công tác phối hợp tiếp công dân giữa cơ quan dân cử và các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ, kịp thời hơn, công tác xử lý đơn thư tiếp tục được quan tâm, theo dõi kết quả giải quyết sau khi chuyển đơn có nhiều tiến bộ. Vai trò của Tổ đại biểu HĐND ngày càng được nâng lên, sự điều hòa, phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa Tổ đại biểu HĐND với Thường trực HĐND các cấp có nhiều chuyển biến, đảm bảo tốt nhất các điều kiện để phục vụ cho đại biểu HĐND tiếp công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Tuy đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong thực tế công tác tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ vẫn còn gặp không ít khó khăn như:

Một là, hoạt động tiếp công dân thời gian qua mặc dù đã được quan tâm và đổi mới song chất lượng các buổi tiếp công dân chưa đạt được như mong muốn, số lượt công dân đến gặp đại biểu HĐND còn khá ít; nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của cá nhân, ít ý kiến đóng góp, xây dựng chung cho cộng đồng dân cư, tập thể.

Hai là, công tác tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền còn nhiều hạn chế, thực hiện chưa dứt điểm, dẫn đến một số vụ việc công dân bức xúc, khiếu nại nhiều lần, gửi đơn thư vượt cấp còn nhiều.

Ba là, đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác tiếp công dân còn hạn chế, bên cạnh đó, Nghị quyết 759 lại chưa quy định cụ thể đại biểu HĐND phải tiếp công dân hàng tháng, hàng quý hay hàng năm để tạo sự thống nhất thực hiện và chưa có chế tài cụ thể đối với trường hợp đại biểu không thực hiện đúng nội dung này.

Bốn là, các quy định về hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND (đặc biệt là đại biểu kiêm nhiệm) chưa cụ thể, chưa mang tính bắt buộc, có trường hợp đại biểu không thực hiện nội dung tiếp công dân theo như lịch đã bố trí; hoặc đại biểu có tiếp nhưng không gửi báo cáo kết quả về Thường trực HĐND.

Năm là, theo quy định hiện hành thì Thường trực HĐND các cấp có trách nhiệm tổ chức và đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất cho việc tiếp công dân của đại biểu HĐND, nhưng cơ sở pháp lý cho đại biểu HĐND thực hiện việc xử lý đơn thư và theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền chưa đầy đủ (chưa có hướng dẫn cụ thể về biểu mẫu cho đại biểu kiêm nhiệm trong việc chuyển đơn…)

Sáu là, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 759 trong việc thông tin, báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc do Thường trực HĐND, đại biểu HĐND chuyển đến, từ đó từ đó đại biểu HĐND không có thông tin, chưa kịp thời cập nhật tiến độ giải quyết để trả lời khi tiếp công dân. Đặc biệt là khâu thông báo việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp chuyển đến theo Điểm a Khoản 1 Điều 15 của Nghị quyết 759 chưa được thực hiện nghiêm túc, việc thông báo tiến độ giải quyết vụ việc còn chưa được quan tâm đúng mức.

Để công tác tiếp công dân thời gian tới đạt được hiệu quả như yêu cầu đặt ra, kiến nghị UBTVQH cần rà soát lại các quy định có liên quan đến công tác tiếp công dân của đại biểu dân cử để sửa đổi toàn diện Nghị quyết 759, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò của Thường trực HĐND các cấp trong tổ chức hoạt động tiếp công dân; cần quy định, hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất trong công tác phối hợp xử lý, giải quyết đơn thư giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND và các cơ quan, đơn vị có liên quan;

Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết đơn thư của công dân, nhằm thông tin kịp thời đến các đại biểu, người có thẩm quyền về quá trình xử lý và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng chuyển đơn chồng chéo hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thứ ba, quan tâm bố trí tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc của Văn phòng phục vụ hoạt động của HĐND các cấp, nhất là phòng chuyên môn (bộ phận) tham mưu về lĩnh vực dân nguyện, kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh (nhất là Văn phòng HĐND thành phố trực thuộc trung ương) cho hợp lý để đảm bảo nhân sự thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đặc biệt là thành lập Phòng Dân nguyện - Thông tin trực thuộc Văn phòng HĐND thành phố để tham mưu công tác tiếp dân của HĐND, đại biểu HĐND, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Thứ tư, cần quy định ràng buộc sự phối hợp, cung cấp thông tin thường xuyên trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa cơ quan dân cử và cơ quan quản lý nhà nước, để giúp các đại biểu HĐND nắm được các sự vụ sự việc khiếu nại tố cáo mà công dân gửi đến các cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, theo Điều 9 Nghị quyết 759 quy định việc tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử được thực hiện theo sự bố trí của Thường trực HĐND cùng cấp, tuy nhiên lại chưa quy định cụ thể số lần định kỳ thực hiện việc tiếp công dân nên mỗi địa phương thực hiện có sự khác nhau, không thống nhất trong quá trình thực hiện. Kiến nghị sửa đổi Nghị quyết 759 theo hướng quy định cụ thể: mỗi đại biểu HĐND tiếp công dân nơi ứng cử mỗi 1 lần/tháng (trừ những tháng đã thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND) và có chế tài đối với trường hợp đại biểu không thực hiện tốt việc tiếp công dân.

Thứ sáu, Nghị quyết 759 khi sửa đổi cần quy định cụ thể, chi tiết hơn để tổ chức thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước như: biểu mẫu cho đại biểu kiêm nhiệm, các Tổ đại biểu HĐND trong việc chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xây dựng quy chế tiếp công dân của đại biểu HĐND.

Thứ bảy, hiện nay tại UBND các cấp đều bố trí Trụ sở tiếp công dân và có cử cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân thường xuyên để tham mưu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân hàng ngày, do đó, việc tiếp công dân định kỳ của đại biểu HĐND cần có sự rà soát, lựa chọn những vụ việc phù hợp, vụ việc cần sự giám sát, đôn đốc của đại biểu HĐND để đẩy nhanh tiến độ giải quyết của các cơ quan hữu quan nhằm mang lại hiệu quả thực chất trong việc tiếp công dân của đại biểu dân cử. Vì vậy, kiến nghị khi sửa đổi Nghị quyết 759 cần quy định cụ thể trách nhiệm của Văn phòng các cấp và các cơ quan hữu quan trong việc rà soát, lựa chọn các vụ việc phù hợp để đại biểu HĐND tiếp công dân.

Thứ tám, hiện nay tại trụ sở HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố có phân công cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, phục vụ Thường trực HĐND, các Ủy viên Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố tiếp công dân định kỳ nhưng lại không thuộc đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân và Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Cụ thể, Điều 2 Thông tư số 320/2016/TT-BTC quy định “Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP.”

Trong khi đó, Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gồm “Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 20 Nghị định này được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân…”

Tuy nhiên tại Điều 20 của Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định phạm vi áp dụng chế độ bồi dưỡng đối với người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cấp tỉnh bao gồm: “Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; địa điểm tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh; cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.” Trong khi đó, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của HĐND thành phố cũng thực hiện các nhiệm vụ tương tự như cán bộ chuyên trách tiếp công dân tại các cơ quan như Điều 20 của Nghị định số 64/2014/NĐ-CP. Vì vậy kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ bổ sung “người tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của HĐND thành phố” là đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng theo Thông tư số 320/2016/TT-BTC./.

                                                                                 Quách Trọng Thiện