Tìm giải pháp chống ngập nội ô thành phố

Ngày đăng: 17-06-2015 - THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG

(CT)- Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và các sở, ngành vừa họp bàn các giải pháp chống ngập cho khu vực nội ô thành phố. Nhiều phương án đã được đưa ra, đặc biệt khi triển khai thực hiện Dự án Phát triển đô thị TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu… tình trạng ngập ở 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy sẽ cơ bản được giải quyết.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện các trận mưa đầu mùa, lượng mưa tương đối lớn và thời gian mưa kéo dài khiến tình trạng ngập úng xảy ra trên các tuyến đường của quận Ninh Kiều. Trong đó, ngày 5-5-2015 xảy ra trận mưa từ 15 giờ 25 phút đến 18 giờ 10 phút, lưu lượng mưa đo được là 78,7mm, chiều cao mực nước triều là 103cm (theo số liệu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ - Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nam Bộ) khiến khoảng 29 tuyến đường chính trên địa bàn quận Ninh Kiều bị ngập từ 1-4 giờ, có nơi đến 6 giờ, độ sâu ngập từ 0,1-0,4m. Ngày 6-6-2015, xuất hiện thêm trận mưa từ 15 giờ 20 phút đến 18 giờ, lưu lượng mưa đo được là 75mm, làm ngập khoảng 17 tuyến đường chính trên địa bàn quận Ninh Kiều, thời gian ngập từ 2-3 giờ; nơi lâu nhất khoảng 4 giờ, độ sâu ngập từ 0,1-0,25m, nơi sâu nhất khoảng 0,35m (đường Hùng Vương). Nhìn chung, trên địa bàn quận Ninh Kiều, so với năm 2014, số tuyến đường ngập và chiều sâu ngập do các trận mưa đầu mùa năm 2015 giảm nhưng thời gian ngập đôi lúc có tăng. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm 2014 Dự án Nâng cấp đô thị thành phố đầu tư thêm 113 van ngăn triều ở tất cả các cửa xả trên địa bàn quận Ninh Kiều, hầu hết cao độ các cửa xả này thấp nên khi mực nước dâng lên, áp lực nước bên ngoài làm hạn chế dòng chảy của cửa xả khi trời mưa lớn, làm lượng nước thoát ra cửa xả ít đi và thời gian thoát nước sẽ lâu hơn. Ngoài ra, một số mương, rạch hở, như: rạch Bà Nga, rạch Sao... bị thu hẹp do người dân lấn chiếm, xả rác thải làm lưu lượng thoát bị ảnh hưởng đáng kể…

Đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều bị ngập sâu sau một trận mưa lớn. Ảnh: VĂN CÔNG

Giảm tình trạng ngập do trời mưa và triều cường, thời gian qua, các công trình do thành phố đầu tư, như: tuyến cống đường Lý Tự Trọng, Phan Văn Trị, Hòa Bình, đường Trần Văn Khéo... đã đem lại hiệu quả nhất định. Nâng cao hơn nữa công tác này, nhất là ở khu vực nội ô, Sở Xây dựng thành phố đề xuất thêm các giải pháp, như: UBND quận Ninh Kiều, chính quyền địa phương, vận động người dân tháo dỡ những công trình lấn chiếm làm hạn chế dòng chảy trên các cửa xả rạch Bà Nga, rạch Sao...; khảo sát, thống kê các đoạn cống bị hư, bị rễ cây xâm thực để thay thế mới; cải tạo lại các cửa xả có cao trình cao hơn các tuyến cống thu gom bên trong. Vận hành các van ngăn triều hợp lý, vào thời điểm triều cường không gây ngập cho các tuyến đường, cần mở tất cả các van ngăn triều, cải thiện dòng chảy khi trời mưa. Đồng thời, bố trí các trạm bơm tại một số cửa xả có lưu lượng lớn nhằm giải phóng lượng nước mưa tồn đọng do van ngăn triều đóng lúc triều cường dâng cao… Hiện nay, đồ án quy hoạch thoát nước TP Cần Thơ đến năm 2030 đã được thông qua Hội đồng Thẩm định quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị thành phố vào tháng 12-2014. Đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa đồ án theo ý kiến của các thành viên hội đồng. Nhằm có cơ sở để triển khai các chương trình, công trình thoát nước và xử lý nước thải trong giai đoạn sau, đặc biệt là có cơ sở để triển khai Dự án 3 (Dự án phát triển đô thị TP Cần Thơ, thích ứng với biến đổi khí hậu), Sở Xây dựng thành phố kiến nghị UBND thành phố sớm phê duyệt đồ án quy hoạch này.

Thời gian qua, Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai khảo sát hiện trạng thoát nước ở khu vực Ninh Kiều và Bình Thủy để đề xuất triển khai Dự án 3. Theo đơn vị tư vấn, Dự án 3 có vốn vay 250 triệu USD, do giới hạn vốn đầu tư nên phạm vi khảo sát, nghiên cứu chỉ thực hiện ở vùng lỏi (quận Ninh Kiều và Bình Thủy), phòng chống ngập lụt kết hợp với phát triển giao thông. Nguyên nhân ngập lụt ở khu vực Ninh Kiều và Bình Thủy do triều cương, mưa và nghiêm trọng hơn là vừa mưa, vừa triều cường dâng. Ở trường hợp ngập do mưa không có triều cường dâng, hệ thống thoát nước tất cả các tuyến đường đều có. Tuy nhiên, hầu hết hệ thống này đã được xây dựng rất lâu, tiết diện cống so với lưu lượng nước thoát là nhỏ, độ dốc của cống thấp nên khả năng thoát nước kém, cửa thu nước của cống cũng nhỏ, những lúc trời mưa, bùn cát bồi lắng trong cống chiếm 1/3, các cửa xả độ mở nhỏ nên thoát nước không hiệu quả… Ngoài ra, hệ thống kênh rạch (hệ thống thoát nước cấp 1) có nhiều vấn đề, năng lực thoát nước đang giảm sút nghiêm trọng. Trên địa bàn Ninh Kiều và Bình Thủy có gần 20 kênh rạch chưa được nạo vét bồi lắng, các kênh rạch này đang ở dạng tự nhiên, chưa được kè, hiện tượng co hẹp dòng chảy do bị lấn chiếm xây dựng nhà cửa, đường giao thông… đang diễn biến khá phức tạp.

Đường Trần Quang Diệu (quận Bình Thủy) thường ngập do mưa lớn và triều cường dâng, ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Ảnh: ANH KHOA

Để chống ngập cho khu vực Ninh Kiều và Bình Thủy, theo đề xuất của đơn vị tư vấn, xây dựng các cửa chặn nước từ các sông lớn vào các kênh rạch, không cho nước vào nội ô (trong đó xây dựng 2 ô thuyền và 5 cống ngăn triều). Đồng thời, xây dựng các tuyến đường bao vùng lỏi nhằm đảm bảo cao độ ngập lụt, tạo vùng đê bao khép kín cho Ninh Kiều và Bình Thủy. Tính toán hệ thống thoát nước để đề xuất thay thế bằng hệ thống cống mới. Toàn bộ gần 20 kênh rạch cần được nạo vét và kè để nâng cao năng lực thoát nước, xây dựng 2 hồ chứa nước ở phường Long Tuyền và Long Hòa (Bình Thủy). Các hệ thống cống, kênh rạch và hồ chứa sẽ đảm nhận chứa nước khi mưa xuống, nếu ngập đề xuất hệ thống bơm thoát ra cho vùng Ninh Kiều và Bình Thủy…

 

Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, Dự án 3 có nguồn vốn khoảng 320 triệu USD (gồm vốn vay khoảng 250 triệu USD và vốn đối ứng) dự kiến, năm 2015 sẽ hoàn thành các thủ tục phê duyệt và năm 2016 triển khai
dự án.

Dự án này chủ yếu chống ngập, đảm bảo vệ sinh môi trường, giao thông kết nối, nâng cao năng lực quản lý đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu. Phạm vi dự án khoảng 3.600ha, tập trung khu vực trung tâm quận Ninh Kiều
và Bình Thủy…

Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Văn Kết cho rằng: Mưa kết hợp triều cường gây ngập. Nhưng nếu chỉ mưa cũng ngập thì nên tìm lời giải cho bài bài toán chống ngập này. Nguyên nhân ngập do độ dốc của cống không đồng đều, cốt các tuyến đường trước đây khoảng 1,6-1,8m, bây giờ thống nhất 2,4-2,5m, khi đặt cống cũ cống mới cao thấp gần cả mét. Độ dốc không đảm bảo trong khi bùn cát động lại 1/3 cống đã ảnh hưởng đến dòng chảy. Trong khi đó, xây dựng van ngăn triều, cửa van chưa đạt hiệu quả cao, thoát nước ra chậm, gây ngập ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Quận Ninh Kiều, các phường sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn khảo sát kỹ hiện trạng thoát nước để triển khai Dự án 3 mang lại hiệu quả cao…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: Thời gian qua, các cấp, các ngành của thành phố đã nỗ lực chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường; tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nhà tài trợ để triển khai thực hiện đầu tư các dự án, công trình. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn một số vấn đề hạn chế, như: ý thức cộng đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chủ đầu tư dự án còn làm riêng lẻ và chưa phối hợp chặt chẽ, công tác kiểm tra kiểm định cũng chưa thật kỹ lưỡng… Thời gian tới, các địa phương trực tiếp quản lý địa bàn phải thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước, khi ngập nghẹt kịp thời khai thông; vận động người dân không vứt rác gây ngập nghẹt; xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm kênh rạch; quản lý tình trạng xây dựng gây ngập nghẹt cống thoát nước. Sở Tài chính kiểm tra, rà soát bố trí vốn hằng năm cho các địa phương thực hiện nạo vét hệ thống cống thoát nước hiệu quả. Ban Quản lý Dự án ODA phải đảm bảo tiến độ các công trình thuộc Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL – Tiểu dự án TP Cần Thơ. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nguồn vốn bố trí cho các chủ đầu tư (sở, ngành và quận, huyện) liên quan đến xây dựng kè, đường giao thông gửi về Sở Xây dựng, đưa vào chương trình chung tổng thể để quản lý, tránh tình trạng các công trình đường giao thông chỉ xem trọng phần đường, cống thoát nước không đảm bảo. Quận Ninh Kiều và các phường tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị tư vấn khảo sát hiện trạng thoát nước phục vụ triển khai Dự án 3…

ANH KHOA